Chỉ vì chiếc ghế nhựa
Nguyên nhân gây ra vụ án mạng đau lòng chỉ vì thủ phạm Lưu Danh Thắng đến lớp nạn nhân Phạm Ngọc Vũ định lấy hai chiếc ghế nhựa để ngồi trong giờ chào cờ. Hôm ấy vào ngày 18/2, Vũ đã xếp ghế vào hàng lớp mình nên giữ lại, không cho Thắng lấy.
Ngay giờ ra chơi, Thắng đã cùng mấy người bạn gây gổ với Vũ trong nhà vệ sinh ở trường. Người bạn thân của Vũ là Thạc Tuấn lúc nào cũng đi bên cạnh bảo vệ bạn cũng bị đánh.Theo lời bố của Vũ, sau khi Vũ mất, Thạc Tuấn kể lại, hôm 19/2, Tuấn và Vũ đã bị nhóm bạn Thắng đánh một trận nhừ đòn. Vũ ít đau hơn Tuấn, bỏ về nhà mà không nói với ai. Còn Tuấn nói chuyện với mấy người bạn, bạn Tuấn cũng đi hăm dọa nhóm của Thắng. Hai bên không xảy ra đánh nhau.
Trưa 20/2, Thắng đã kéo hội khoảng 20 người, trong đó 10 người trực tiếp gây án, chém chết Vũ ngay tại cổng trường.
Mẹ phát điên vì con bị giết
Theo dõi nhiều vụ xử tội giết người tại tòa, nhưng ở phiên tòa xử Lưu Danh Thắng gây nhiều băn khoăn khó tả cho tôi.
Ngay đầu buổi, công an vừa dẫn các phạm nhân vào phòng xử, một phụ nữ đã gào lên rồi ngất lịm. Người thân xung quanh nhanh chóng đưa bà ra xe về nhà. Hỏi ra mới hay, đó chính là mẹ Vũ. Nhìn những bị cáo bằng tuổi với con mình, chính là hung thủ cướp đi sinh mạng của con, bà không chịu nổi.
Những bà mẹ của các bị cáo thì cũng sụt sùi khi chứng kiến con mình trước vành móng ngựa.
Theo địa chỉ gia đình, 4 ngày sau phiên xử án, chúng tôi tìm đến nhà cậu học sinh xấu số Phạm Ngọc Vũ ở Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. Ngôi nhà ba tầng, khang trang nằm ngay đường cái. Tiếp chúng tôi là anh Phương, bố Vũ. Người đàn ông ngoài 50 tuổi không giấu nổi vẻ u sầu khi nhắc tới con mình.
Ngay đầu câu chuyện, ông đã bảo: "Vũ ngoan quá, nhiều người cứ khen, cứ quở cháu nên có lẽ vì vậy mà Vũ không ở được với vợ chồng tôi." Người đối diện như thấy nỗi đau quặn lại nơi ánh mắt người cha.
Vũ là cậu con trai út trong gia đình có 5 anh chị em. Anh Phương kể: "Cả đời tôi không quên được buổi trưa khi nhận được cuộc điện thoại của bạn cháu Vũ, bảo vào trường ngay đưa Vũ đi cấp cứu. Khi tôi tới trường, anh chị gái của cháu gần trường đã đưa Vũ đến Viện 103. Tôi và vợ phi theo xe cấp cứu mà không hiểu chuyện gì. Khi tới sảnh bệnh viện, con trai tôi vừa xuống xe. Cháu nằm úp trên cáng, kêu với anh rể một câu: "Đau quá anh Long ơi!" rồi ngất lịm. Vợ tôi nhìn thấy con trai đầm đìa máu, ai đó úp cái bát to vào vết thương bên hông để cháu không bị lòi ruột ra thì ngất lịm, phải đưa vào cấp cứu. Vết thương dài hơn một gang tay, đứt 5 xương sườn thì làm sao cháu sống nổi hả cô? Ngoài vết thương ấy, còn 2 vết dài khác bên lưng, đứt hẳn áo khoác 2 lớp và 1 áo len cháu Vũ đang mặc. Cháu được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng vết thương quá nặng..."
Người đàn ông ngoài 50, là một doanh nhân nên kín đáo kiềm chế tình cảm sâu kín khi nói chuyện với chúng tôi. Ông ngước nhìn ra phía ánh sáng tránh rơi nước mắt.
Vũ là cậu con út trong gia đình kinh tế khá giả nhưng không chơi bời. Cậu bé hiền và hay giúp đỡ người khác khiến nhiều khi bị bố trêu: "Mai sau Vũ tìm tổ chức từ thiện mà xin vào làm" thì cậu chỉ cười. Cậu hay giúp đỡ Thạc Tuấn vì nhà Tuấn kinh tế khó khăn, vì thế mà hai cậu chơi thân, đi đâu cũng có nhau. Hết giờ học là Vũ về nhà. Hàng ngày, 12h hoặc 12h05 là cậu về tới nhà. Một tuần hai buổi, Vũ sang Trường Đại học Bách khoa học thêm ngành Quản trị mạng được hơn 1 năm. Cậu say mê vi tính, vẽ đồ họa giỏi. Vũ thường vẽ những mẫu hoa để gia đình thêu trên sản phẩm dệt len.
Những kỷ niệm về cậu con trai ngoan ngoãn cứ đeo đẳng người mẹ. Mẹ Vũ nằm bệnh hơn 1 tháng trời. Khi tỉnh dậy, bà như người điên. Cứ buổi trưa là ra ngõ ngóng con đi học về. Mưa không biết chạy, nắng không biết che. Anh Phương tâm sự: "Tôi đã mất con, cứ tưởng như sẽ mất luôn cả vợ. Vợ tôi bị tâm thần vì mất con. Từ tháng 2 tới giờ, gia đình phải đưa vào khoa tâm thần bệnh viên bạch Mai, Viện 103 tổng cộng 4 lần điều trị. Không thấy ổn, khi nghe tin trên Sơn La, Lào Cai có thầy chữa đông y, tôi cũng bỏ việc đưa vợ đi chạy chữa. Cũng may khi chị tới vợ tôi đi vắng. Bà ấy vừa nhúc nhắc đi lại buổi sáng. Chứ khi ở tòa, về nhà nằm liệt 3 này trời.Gia đình tránh để vợ tôi nghe tin về con. Sợ bà ấy lại phát điên."
Cha mẹ Vũ không dám ra thăm mộ con vì muốn cậu được yên nghỉ. Những người bạn của Vũ vẫn đến thăm mộ hàng tuần, thậm chí tối khuya các em còn ra thăm bạn. Mỗi lần các bạn của con đến thăm hỏi, mẹ Vũ lại lên cơn sốc.
Cậu bé Vũ dự định thi vào trường Đại học Bách Khoa và Đại học Công nghiệp. Ước mơ của em và gia đình đã không thể thực hiện chỉ vì thói côn đồ trong cư xử của nhóm học sinh. Anh Phương ngậm ngùi: "Giá các cô giáo quan tâm, giải quyết chuyện xích mích cho các cháu, thì đâu đến nỗi gia đình tôi mất con."