. Hôm qua, LĐBĐ châu Á (AFC) tiếp tục khẳng định họ vẫn đang lên kế hoạch để rút gọn trận chung kết Champions League châu Á xuống chỉ còn một lượt trận như Champions League châu Âu. Lý do của ý tưởng này là họ muốn trận chung kết trở nên hấp dẫn và kịch tính hơn.
|
Inter thua cũng… "làm vua"! |
Khoan hãy bàn đến việc AFC làm thế là hay hay dở. Khoan hãy nhớ lại trận chung kết toàn Hàn Quốc năm nào giữa Pohang Steelers và Ilhwa Chunma trên một SVĐ ở Malaysia không có khán giả (di chuyển từ Seoul đến Kualar Lampur tất nhiên khó đi lại hơn di chuyển trong nội bộ châu Âu). Lập luận của AFC khiến ta giật mình: hóa ra ít trận mới là kịch tính?
Đá ít trận mới là kịch tính, bởi trong thế “quay lưng vào sông”, các đội sẽ phải dốc hết bài vở, sức lực của mình ra mà đấu. Và khán giả tất nhiên là người được lợi nhất. Họ xem bóng đá đỉnh cao chứ không phải xem các ông thày giở “võ” toan tính, giấu bài, giữ quân trong một trận đấu đôi khi là rất buồn tẻ.
Sau đó, ta hãy nhìn lại Champions League châu Âu loạt đấu thứ 5. Để thấy rằng: với hố ngăn khủng khiếp giữa các nền bóng đá ở lục địa già, đá ít hay nhiều cũng… không kịch tính gì cả!
Sau loạt đấu rạng sáng nay, có thêm 3 vé vào vòng knock-out được trao cho Liverpool, Atletico Madrid và Inter Milan. Cộng với Barcelona (vào từ vòng trước) và 8 chiếc vé hôm qua, cộng cả những đội đã chắc chắn bị loại, thì có tới 24/32 kẻ biết số phận của mình. Trong khi, câu chuyện Champions League vẫn còn 1/6 “chương” để kể. Một “tiểu thuyết” có kết cấu truyện buồn cười như thế, in thành sách thì bán chỉ có lỗ!
2. Đáng nghĩ hơn là cách mà 24 đội bóng đã có vé hoặc chính thức bị loại tạo ra số phận cho riêng mình. Những Fiorentina, Zenit, Kiev, Cluj cũng đã có chút cố gắng. Những Steaua, Celtic, PSV, Basel thì không có chút nỗ lực nào. Nhưng dù nỗ lực hay là không, thì tất cả đều bị loại bởi sự thống trị của những đội bóng mạnh.
|
Villarreal và MU không thắng không thua cũng… "làm vua"! |
Tiêu biểu nhất cho cái sự “thuận đời” của Champions League 2008-09 là việc Inter đã để thua Panathinaikos, đáng ra phải “hoãn cái sự sung sướng lại”, thế mà mà cuối cùng vẫn có vé, vì “không may” cho hai kẻ còn lại là Anorthorsis – Bremen lại hòa nhau!
Còn 8 đội bóng chưa biết kết cục của mình, là những ai? Ngoài bảng A, nơi có Chelsea, Roma, Bordeaux, thì “sự hấp dẫn” của vòng đấu cuối bây giờ trông vào… Panathinaikos gặp Anorthosis, Sporting Lisbon gặp Shaktar Donetsk, những cái tên mà có lẽ cả khán giả châu Âu đánh vần cũng khó khăn.
Vậy mà họ, các CLB châu Âu liên tục nói rằng cầu thủ của mình đang quá tải! Họ giữ cầu thủ ở nhà, góp phần biến những trận đấu đáng ra phải là đỉnh cao thực sự thành những cuộc đấu loại B. Loại B giống như Anh gặp Đức, Argentina gặp Scotland hôm vừa rồi. Để tập trung vào diễn những “vở kịch” tẻ ngắt như thế này.
3. Vở kịch có thể không hay, nhưng ai cũng hiểu nó mang lại cho các CLB châu Âu rất nhiều tiền. Tiền bạc lại chi phối sự nghiệp và cả lương tâm của các cầu thủ. Mùa giải trước, doanh thu của Champions League là 824,5 triệu euro. Nếu đem so với EURO 2008, tổ chức 4 năm một lần mà chỉ thu về 1.3 tỉ euro, ta có lý để tin rằng nó chi phối cả đầu óc của các vị lãnh đạo UEFA!
Đã hơn một lần ý tưởng về việc rút ngắn Champions League thành một chiếc cúp có thể thức ít cồng kềnh mà vẫn hấp dẫn như trước được nêu ra. Nhưng không thấy ai cân nhắc nghiêm túc về nó. UEFA đã mất nhiều công để “cồng kềnh hóa” thể thức của giải đấu này, để “gánh xiếc rong” Champions League bán được vé ở các SVĐ khắp những nước vẫn đau đáu hi vọng đứa con của họ lọt sâu hơn vòng bảng (nhưng vô vọng) như Romania, Czech hay Hy Lạp... Thật khó để gọi họ quay lại.
Khó lắm! Bởi cho dù các HLV vẫn ca bài “cầu thủ của tôi đá 3 trận một tuần”, các cầu thủ thì vẫn chấn thương hay… đột quỵ, các loạt trận của ĐTQG vẫn luôn bị làm khó, thì không ai có thể chiến thắng nổi sức mạnh của đồng tiền.
Và rồi ta sẽ lại có nhiều những vở diễn “kịch tính” như cái loạt đấu thứ 6 vòng bảng Champions League 2008/2009 đang tới kia…