1001 cách thức
Đứng ra để tổ chức một chương trình, có một ý tưởng thật sự ấn tượng có thể thu hút được khán giả đã là một điều khó, phải cẩn trọng đến lợi nhuận thì lại càng khó, nhưng phải để mắt đến từng nhân viên hoặc nơi cho thuê địa điểm tổ chức để khỏi rơi vào 1001 cách thức “mánh khóe lợi nhuận” chặn tiền … lại là một điều cực-kì-khó.
Minh chứng gần đây nhất là chương trình ca nhạc 4teen của một tờ báo được tổ chức trong một đêm duy nhất. Nhìn vào danh sách của ca sĩ đủ để làm các fans âm nhạc đương thời phải chú ý thời gian và địa điểm diễn ra chương trình, và rồi cũng chẳng tiếc tiền của mà có được một chỗ ngồi trong chương trình ấy. Vậy mà khi đêm nhạc qua đi, người biên tập lại nhận được thông tin về việc các ca sĩ tham gia chương trình đều bị chặn 1 triệu đồng so với hợp đồng, mặc dù rõ ràng bên tổ chức trả thù lao đúng với hợp đồng đã kí, vậy thì 1 triệu đó rơi vào tay ai?
Một chương trình được tổ chức do ca sĩ bỏ ra đánh bóng tên tuổi cho mình nhưng được gắn cái mác là chương trình hội tụ các sao teen, chất lượng chương trình yếu kém, khâu tổ chức thì lộn xộn, thế mà vẫn được “miễn duyệt” không hiểu vì lý do gì?
Hai chương trình teen cùng tổ chức trên một tuyến đường, cùng ngày, cùng giờ. Một bên là của một tờ báo còn bên kia là của một công ty âm nhạc.Từ tên chương trình cho đến ca sĩ na ná như nhau, thế là xảy ra biết bao chuyện “ghen ăn, tức ở”, bên này ép ca sĩ diễn cho mình không được diễn bên kia, giành giờ diễn với nhau, ra tay đi nói xấu theo kiểu “bà tám văn nghệ”, còn bên kia cũng không vừa, đi “quậy” bên này về vấn đề giấy phép, về “mục đích tổ chức”… Ôi! Đêm từ thiện của những người “chẳng thiện” chút nào!
Nói trắng ra, dù biết là như thế, nhưng bên tổ chức cũng không giải quyết được nếu phía ca sĩ không có thông tin chính thức và được công khai một cách rõ ràng, có thể là do tránh va chạm, có thể là do “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Nhưng thế rồi mọi việc sẽ đi về đâu, nghệ thuật sẽ đi về đâu, lao động vì nghệ thuật sẽ đi về đâu? Khi “nghệ thuật đen” của nghệ thuật lại quá lớn, ảnh hưởng trước mắt không nặng nề, nhưng cứ lâu dài sẽ tạo nên một hố đen vũ trụ.
Một nam diễn viên cũng từng bị một trường hợp tương tự, khi mời anh làm MC cho một chương trình, và người đi kí hợp đồng nói rằng ban tổ chức sẽ tự động trích 1 triệu để làm từ thiện. Sự chênh lệch giữa số tiền trong hợp đồng và số tiền thực đã tạo nên dấu chấm hỏi, rất may là ngay lúc đó anh đã liên lạc với người bên BTC để hỏi rõ thì được biết không hề có chuyện lấy BTC lấy tiền làm từ thiện, cái đáng lo không phải là mất 1 triệu, mà là đằng sau 1 triệu ấy sẽ là một con đường dài.
Có cách nào khống chế?
Bây giờ thường thì ban tổ chức sẽ có một ekip hẳn hoi cho chương trình của mình, nhưng vì sự linh động nên đôi lúc cũng có những thuê mướn vay mượn từ nhân lực bên ngoài. Quản lý thật tốt và kiểm soát chặt chẽ để những con số thực và giấy tờ trùng khớp với nhau sẽ là vấn để cần thiết được giải quyết và công khai cho cả một chương trình về lâu dài cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tuy vậy, cũng cần có những tiếng nói chính thức để trường hợp này sẽ không còn xảy ra trong một lĩnh vực mà việc lao động và sự hăng say sáng tạo luôn là yêu cầu được nêu bật cao nhất. Có nên chăng những sáng tỏ để cảnh báo “nghệ thuật đen” lây lan và mở rộng?