Một buổi tối, nhân lúc con ngủ say, cả nhà vắng vẻ, Tuân, kỹ sư điện ở khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội, thủ thỉ hỏi han lý do nàng không muốn chuyện ấy, điều mà trước kia cả hai đều luôn rất mãn nguyện. Hóa ra, từ nửa năm nay, Hoa, vợ anh, ngại gần gũi chồng vì mỗi lần 'yêu' xong cô đều đau rát, có khi còn ngứa ngáy, ra dịch màu. Hoa đã âm thầm đi chữa phụ khoa nhưng vẫn không khỏi hẳn, thường xuyên tái phát. Mà mỗi lần đặt thuốc kéo dài hàng chục ngày và bác sĩ luôn yêu cầu "kiêng" chuyện ấy.
Nghe vợ tâm sự xong, Tuân thở phào vì ít ra không phải vợ bị lãnh cảm, mà chỉ là do bệnh.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, thuộc Trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (số 4A2 Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội) cho biết, trường hợp như Hoa không phải là hiếm, nếu không nói là rất thường gặp.
"Tình trạng đau ngứa khi quan hệ chủ yếu là do có viêm nhiễm, hay gặp nhất là nấm. Khoảng 30% phụ nữ từng nhiễm phải nấm, gây rát đỏ, khi đụng chạm gây đau khiến phụ nữ từ chối quan hệ với chồng", bác sĩ Dung cho biết.
Một lý do nữa khiến phụ nữ tránh sinh hoạt tình dục là viêm âm đạo cấp do trùng roi, gây bỏng rát, hoặc nhiễm virus herpes gây đỏ, sưng tấy âm hộ.
Hiếm gặp hơn là bệnh lậu, nhưng bệnh này khi đã mắc, ở giai đoạn cấp thì cực kỳ gây đau đớn. Nam giới mắc bệnh cảm giác như có hàng nghìn lưỡi dao cạo cứa vào dương vật. Nữ giới tuy không đau bằng nhưng cũng rất rát. Qua giai đoạn cấp sang giai đoạn mãn, bệnh nhân không còn rát mấy, nhưng sẽ ra khí hư dạng mủ và đau bụng.
Nhiều dạng bệnh khác tuy cũng thường gặp nhưng lại không gây đau đớn mấy, chẳng hạn nhiễm HIV hay giang mai, hoặc nhiễm Chlamydia.
"Nhiều bệnh nhân than phiền là hay bị tái đi tái lại, nhất là trong trường hợp viêm lộ tuyến. Thực tế là họ đã được chữa không triệt để, hoặc chỉ được chữa tại chỗ mà không tìm ra cội nguồn của bệnh, bởi bệnh có thể xuất phát từ bộ phận nằm cao hơn như phần phụ, tử cung", bác sĩ Dung nhận định.
Bà cũng cho biết cá nhân bà không đồng tình với cách xử trí của nhiều bác sĩ phụ khoa hiện nay, là bệnh nhân vừa sạch kinh xong đã cho đặt thuốc chữa viêm nhiễm, đặt hết kỳ này đến kỳ khác.
"Hầu hết các thuốc đặt đều có thành phần kháng sinh, gây diệt các vi khuẩn, cả vi khuẩn có ích trong đường âm đạo. Vì thế, nếu dùng quá nhiều, thì cơ thể bị nhờn thuốc, đến lúc bệnh nặng sẽ không đáp ứng nữa".
Chính vì thế theo bà, khi mắc bệnh phụ khoa, bệnh nhân cần được thăm khám, xét nghiệm, cấy vi trùng để tìm ra nguyên nhân thực sự. Chỉ điều trị dứt điểm một đợt, sau đó để cho cơ thể tự nhiên hồi phục.
Ngoài ra, các bạn nữ cũng nên đi khám phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện bệnh. Mặc quần rộng để tránh điều kiện nóng ẩm vùng kín dễ gây viêm nhiễm.
Cũng theo bác sĩ Dung, trừ những lúc viêm cấp, quá khó chịu, còn kể cả những lúc đang chữa viêm nhiễm thông thường, các bạn nữ vẫn có thể quan hệ an toàn để tránh tình trạng "treo niêu" ông xã quá lâu, gây bất hòa gia đình.