Chưa cập nhật tin tiêu điểm |
|
|
|
|
Cập nhật ngày: 23/12/2014, 11:24 GMT+7. |
Hàng trăm thắc mắc của độc giả về việc đổi mới thi tuyển sinh đang được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Cục trưởng Khảo thí Mai Văn Trinh giải đáp. |
Bộ trưởng Giáo dục đang trả lời trực tuyến về đổi mới tuyển sinh |
Xin chào Bộ trưởng. Cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian trả lời trực tuyến của VnExpress. Ông có thể cho biết ngắn gọn tại sao lại có thay đổi này và mục tiêu của ông là gì?
Minh Thắng, 56 tuổi, Hà Nội
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:
Xin chào các độc giả của VnExpress. Tôi rất vinh dự được trả lời những băn khoăn của độc giả liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia. Những lý do để Bộ Giáo dục đưa ra những thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là:
Căn cứ vào nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, phải đổi mới phương thức thi theo hướng giảm áp lực, tốn kém, đảm bảo tin cậy và trung thực, đồng thời cung cấp căn cứ làm cơ sở cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong nghị quyết 29 cũng lưu ý cần đổi mới tuyển sinh theo hướng kết hợp sử dụng kết quả tuyển sinh từ kết quả học phổ thông và yêu cầu đào tạo.
Chúng ta phải căn cứ vào luật, gồm Luật Giáo dục quy định tổ chức kỳ thi để xét và công nhận tốt nghiệp; Luật Giáo dục ĐH quy định cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm. Nghĩa là Bộ không được tổ chức tuyển sinh ĐH mà phải để tự chủ cho các nhà trường mà cũng không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp.
Căn cứ trực tiếp là từ kết luận của Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục phải đưa ra phương án thi bắt đầu từ 2015 và phải được công bố công khai vào quý III/2014 nhằm thực hiện 2 luật nêu trên.
Yêu cầu của kỳ thi là phải tạo ra căn cứ tin cậy, chính xác, trung thực kết hợp với kết quả học tập lớp 12 để xét công nhận kết quả tốt nghiệp THPT và cung cấp căn cứ tin cậy cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Đồng thời kỳ thi cũng phải được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, thuận tiện cho thí sinh, tránh căng thẳng và tốn kém của cá nhân và xã hội.
Ông từng nói đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục quốc dân là trận đánh lớn của cuộc đời ông, vậy việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ có phải là trận mở màn?
Minh Anh, 40 tuổi, Hà Nội
Bộ trưởng:
Nếu nói là mở màn thì chúng tôi đã làm nhiều việc trước đấy như sử dụng chương trình, cách dạy cách học tiếng Việt; thay đổi cách dạy, cách học và cách thi cử ở tiểu học; thay đổi cách dạy từ truyền thụ kiến thức sang kỹ năng, tổ chức kỳ thi nghiên cứu khoa học của học sinh THPT; thay đổi cách ra đề thi, chấm thi tốt nghiệp năm 2014... Nối tiếp những công việc đã và đang làm, Bộ đi đến thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015. Đó là một công việc trong chuỗi công việc mà ngành giáo dục đang làm.
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Chúng tôi đã làm nhiều việc trước khi mở màn".
|
Tôi nghĩ, hiện nay Bộ chủ yếu nghĩ đến các thí sinh dự thi đại học. Tỷ lệ này khá thấp so với các thí sinh thi tốt nghiệp. Học sinh của tôi, 100% các em thi tốt nghiệp mà phải đi hàng trăm km về thành phố dự thi. Vậy Bộ GD&ĐT có nghĩ đến sự lãng phí này hay chưa? Chỉ nghĩ đến quãng đường đi từng ấy cây số để dự thi tốt nghiệp đã đủ làm các em hoảng loạn mất rồi.
Nguyễn Sơn, 37 tuổi, Lào Cai
Bộ trưởng:
Khi thiết kế phương án thi THPT quốc gia thì đối tượng đầu tiên chúng tôi quan tâm và ưu tiên là học sinh, bao gồm cả học sinh THPT, GDTX, cả đối tượng dự thi chỉ để công nhận tốt nghiệp, các cháu có nhu cầu xét tuyển vào ĐH, CĐ. Chúng ta giảm được một kỳ thi thì sẽ giảm được kinh phí rất lớn để tổ chức hội đồng ra đề, kinh phí in sao, vận chuyển, bảo mật, chi cho các lực lượng đảm bảo an toàn, bí mật, thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở của thí sinh và phụ huynh. Với các cháu thi để vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, phải thi 2 lần, đi xa nhà, đến các cụm thi tại các thành phố lớn...thì bây giờ chỉ đi 1 lần. Lần này xa hơn lần thi tốt nghiệp nhưng gần hơn lần đi thi ĐH trước đây.
Về bài thi, trước đây các cháu phải làm 7 bài gồm 4 bài tốt nghiệp và 3 bài của 1 khối thi, cháu nào thi 2 đợt thì phải thi 3 môn nữa, nếu dự thi hết phải thi 13 bài. Giờ các cháu làm tối thiểu 4 bài, nếu đăng ký thêm thì có thể 5,6 tối đa là 8 bài. Như vậy bài thi làm ít, thời gian lưu trú ngắn. Không phải về các trung tâm thành phố thì chi phí đỡ đắt đỏ, những khó khăn về mặt kỹ thuật sẽ giảm thiểu. Về phía nhà trường, ngân sách trung ương sẽ tiết kiệm được nhiều.
Đối với các cháu chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp sẽ thi 4 môn - số lượng bài thi như những năm trước. Đi lại thì xa hơn, trước đây từ xã lên huyện thì nay phải lên tỉnh. Chúng tôi chủ trương các cháu không phải nộp lệ phí thi. Chi phí phát sinh về di chuyển thì ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ. Các địa phương sẽ tổ chức đưa học sinh đến điểm thi an toàn, thuận lợi. Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ khoản tiết kiệm được do bỏ một kỳ thi. Trước đây địa phương phải lo 100% cho các cháu thi tốt nghiệp, nay chỉ lo cho một phần nhỏ các cháu chỉ thi tốt nghiệp, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 20%, như vậy tiết kiệm được 80% so với trước đây.
Chúng tôi đã trao đổi với nhiều giám đốc Sở Giáo dục trong đó có đại diện tất cả các miền từ miền núi đến đồng bằng, Hà Nội để kiểm tra khái quát, trong kỳ thi tốt nghiệp năm trước, kinh phí chi từ ngân sách bình quân là 400.000 đồng mỗi cháu. Chúng ta có khoảng 1 triệu học sinh, ngân sách phải chi khoảng 400 tỷ. Nay chỉ có khoảng 20% có nhu cầu thi tốt nghiệp, sẽ giảm được khoảng 320 tỷ đồng. Một phần trong khoản tiết kiệm này sẽ được dùng để hỗ trợ học sinh chỉ thi tốt nghiệp.
Học sinh và phụ huynh, kể cả các cháu chỉ thi tốt nghiệp không có gì khó khăn. Chi phí nhà nước được tiết kiệm, chi phí của thí sinh phải bỏ ra không tăng. Những khó khăn khác sẽ có hỗ trợ như thanh niên tình nguyện, các hình thức xã hội hóa sẽ giúp các cháu vượt qua bỡ ngỡ những năm đầu tiên. Như vậy Bộ đã tính tóan đến lợi ích của học sinh và tiết kiệm chi phí cho ngân sách và áp lực xã hội.
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Cục trưởng Khảo thí Mai Văn Trinh và các chuyên gia của Bộ Giáo dục tham gia trả lời câu hỏi của độc giả.
|
Kính thưa Bộ trưởng, từ khi tôi biết quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp và cải cách giáo dục ở Việt Nam thì cũng hơn 20 năm rồi. Xin hỏi Bộ trưởng là khi nào thì công cuộc cải cách giáo dục sẽ hoàn thiện? Vì giờ tôi có con nhỏ rồi mà cải cách từ đời bố đến giờ vẫn chưa xong, tôi sợ con tôi tiếp tục được tham gia vào dịch vụ giáo dục thử nghiệm. Nếu được mong Bộ trưởng trả lời bằng một con số cụ thể!
Trần Kiên, 40 tuổi, Sơn La
Bộ trưởng:
Theo nghị quyết của Quốc hội vừa mới thông qua thì chương trình và SGK mới sẽ được triển khai từ năm 2018, việc cuốn chiếu sẽ được tiến hành đồng thời ở cả 3 cấp học. Quá trình cải cách diễn ra từ 2018 kéo dài trong 5 năm. Công việc này đang được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo. Bộ Giáo dục đang triển khai theo kế hoạch này.
Cháu muốn hỏi cách tính điểm liệt cho kỳ thi quốc gia năm 2015 đối với hệ THPT và hệ GDTX sẽ như thế nào ạ?
Đồng Đức Tuấn, 25 tuổi, Dương Kinh, Hải Phòng
Cục trưởng Mai Văn Trinh:
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, quy chế quy định: để được xét công nhận tốt nghiệp, các bài thi của thí sinh phải đạt điểm lớn hơn 1 (thang điểm 10). Trong dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2015 dự kiến sử dụng thang điểm 20. Do vậy, dự kiến các bài thi của thí sinh phải đạt điểm lớn hơn 2 (thang điểm 20).
|
Cục trưởng Khảo thí Mai Văn Trinh (bên phải).
|
Tôi xin hỏi Bộ trưởng về vấn đề xét tuyển của các trường đại học. Trong trường hợp có nhiều hồ sơ có điểm số bằng nhau thì các trường sẽ căn cứ vào tiêu chí nào để xét tuyển.
Ngô xuân Tuyến, 44 tuổi, Linh đàm, Hoàng mai, Hà nội
Cục trưởng Mai Văn Trinh:
Công tác tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH-CĐ theo luật Giáo dục ĐH. Các trường sẽ có quy định cụ thể về công tác tuyển sinh để vừa đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh đồng thời đáp ứng chất lượng nguồn tuyển trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào. Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng các tiêu chí phụ để lựa chọn các thí sinh có cùng điểm. Các em theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để thực hiện.
Mỗi thí sinh có đến 16 cơ hội đậu vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy có thể nói trừ những em không đỗ tốt nghiệp thì hầu như mọi thí sinh đều có chỗ trong một trường nào đó, vậy chất lượng đầu vào có thể nói là "thượng vàng hạ cám" sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và việc làm khi ra trường. Vấn đề này sẽ tiếp tục làm tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" sẽ trầm trọng hơn. Bộ trưởng có giải pháp gì để hạn chế những khía cạnh trên.
Tran Quang Huong, 54 tuổi, Thu Duc TP.HCM
Bộ trưởng:
Cơ hội, nguyện vọng đăng ký vào trường khác với chỉ tiêu. Các cháu có thể đăng ký là tăng cơ hội cho các cháu, còn có vào hay không dựa vào kết quả điểm. Chỉ tiêu tuyển sinh của các nhà trường sẽ được xác định căn cứ trên các điều kiện đảm bảo chất lượng. Cụ thể là căn cứ vào số lượng giáo viên cơ hữu nhà trường hiện có, diện tích xây dựng tính trên đầu sinh viên, đảm bảo cho việc dạy và học cũng như ăn ở của sinh viên.
Dựa trên chỉ tiêu này nhà trường sẽ xét các cháu từ điểm cao nhất xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì vậy không có chuyện buông lỏng chất lượng và "thượng vàng hạ cám".
Cháu có thắc mắc về vấn đề thi liên thông thẳng chung đợt với kỳ thi tuyển sinh 2015 thì thủ tục nộp hồ sơ, các môn thi và cách chấm điểm như thế nào ạ. Cháu xin nói thêm là cháu vừa tốt nghiệp cao đẳng tháng 09/2014 và có nguyện vọng thi liên thông vào năm nay.
Đỗ Thị Thu Thảo, 22 tuổi, Hoài Nhơn-Bình Định
Cục trưởng Mai Văn Trinh:
Với đối tượng thí sinh thi liên thông dự thi THPT quốc gia để tuyển sinh vào ĐH, các em chỉ đăng ký thi các môn phù hợp với quy định về khối thi do trường ĐH quy định cụ thể cho các ngành. Các thí sinh này cùng làm một đề thi chung như các đối tượng khác, công tác coi thi chấm thi cũng được thực hiện giống như các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Việc đăng ký dự thi sẽ có hướng dẫn cụ thể cho mọi đối tượng tham gia dự thi này.
Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục liên tục nói giảm tải, nhưng tôi thấy chả giảm được bao nhiêu. Các con tôi nói học ở lớp rất nhẹ nhàng, nhưng thi cử bài quá khó, đó là chưa nói đến thi ĐH, CĐ. Nếu không đi học thêm thì chả làm được. Vậy phải chăng khẩu hiệu giảm tải chỉ nằm trên văn bản giấy tờ, hô hào khẩu hiệu, chứ không thực chất? Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình.
Hồng Khánh, 39 tuổi, Quảng Ngãi
Bộ trưởng:
Đây là chủ trương nhất quán của Bộ Giáo dục trong quá trình thực hiện nghị quyết 29 của trung ương. Chúng tôi đã chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống và cũng chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện chủ trương này ở cơ quan Bộ cũng như các cơ sở giáo dục ở các địa phương. Xét bình diện chung trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực, nhiều trường thực hiện khá tốt. Tuy nhiên chưa đồng bộ. Còn những trường, thầy cô chưa thay đổi đồng bộ giữa việc tổ chức dạy và kiểm tra, thi cử, đánh giá. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc một cách mạnh mẽ, hi vọng các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương, các tổ chức như hội Khuyến học, Cựu giáo chức sẽ phối hợp cùng Bộ.
Cùng với đổi mới thi cử, Bộ đang thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Những phụ huynh học sinh như tôi rất mong Bộ trưởng trả lời, bao giờ thì chương trình học phổ thông được giảm tải và giảm tải khoảng bao nhiêu phần trăm so với hiện nay?
Lan Anh, 35 tuổi, Hà Nội
Bộ trưởng:
Từ 3 năm nay Bộ đã chỉ đạo giảm tải chương trình hiện hành. Cùng với đó là thay đổi cách dạy cách học, đánh giá, kiểm tra, thi cử theo hướng không bắt các cháu học thuộc lòng, không khuyến khích sử dụng bài văn mẫu... Chương trình mới sẽ được thiết kế theo hướng giảm tải và chuyển sang hướng phát triển năng lực cho học sinh. Lúc đó việc truyền thụ kiến thức cho học sinh không phải mục tiêu duy nhất mà chúng ta hướng tới việc giúp cho học sinh hình thành kỹ năng và phẩm chất của người lao động mới. Cách tiếp cận như vậy sẽ giảm tải rất nhiều so với chương trình hiện nay.
Theo em khi đã đi thi thì chỉ có điểm thi thôi, tại sao lại phải cộng điểm của các kỳ học phổ thông nữa, nếu thế thì sẽ nảy sinh ra rất nhiều tiêu cực, con nhà giàu, con em giáo viên... lực học trung bình sẽ được học sinh giỏi hết, như thế không công bằng.
Nguyễn Hồng Vân, 18 tuổi, Phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Cục trưởng Mai Văn Trinh:
Từ năm 2014 đã sử dụng kết hợp điểm thi 4 môn với điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp. Việc sử dụng phối hợp điểm học tập với điểm thi để xét tốt nghiệp cũng giúp học sinh tránh được những rủi ro khi chỉ tính điểm thi để xét tốt nghiệp như những năm trước.
Đây là một trong những biện pháp góp phần khắc phục tình trạng học lệch của học sinh hiện nay. Cụ thể là: các em phải cố gắng học đều các môn để đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho tất cả các môn học khi kết thúc bậc THPT. Trên cơ sơ đó, các em đầu tư thêm vào những môn phù hợp với năng lực, sở trường của mình để phục vụ tuyển sinh ĐH-CĐ. Chủ trương này hướng tới phát triển toàn diện năng lực cho học sinh. Trách nhiệm của các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục là phải đảm bảo tính khách quan, công bằng trong kiểm tra đánh giá. Ngành giáo dục đào tạo đã và đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để các nhà trường thực dạy, thực học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạ.
Trong Dự thảo Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 trở lên được miễn thi do nhận định, trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT. Nhưng việc miễn thi chỉ “để xét công nhận tốt nghiệp”. Thí sinh muốn xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ phải dự thi môn Ngoại ngữ. Như thế đồng nghĩa nhiều “chứng chỉ quốc tế có uy tín” là vô giá trị trong việc “xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ”, trong khi tất cả các trường ĐH, CĐ danh tiếng trên thế giới khi xét tuyển đầu vào đều thừa nhận những chứng chỉ đó. Vậy Bộ có nên xem xét quy định nâng bậc xét tuyển vào trường ĐH, CĐ cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế, thí dụ với Ielts từ 5.0 hoặc 5.5 chẳng hạn? Như thế vừa không bỏ phí “chứng chỉ quốc tế có uy tín”, vừa hợp thời, vừa tiết kiệm trong quá trình thi cử, vừa kích thích học sinh đầu tư vào môn ngoại ngữ, thứ cực kỳ quan trọng trong thời hội nhập, giúp đưa đất nước đi lên. Rất mong Bộ trưởng để tâm xem xét, nghiên cứu bổ sung.
Hoàng Phong, 35 tuổi
Bộ trưởng:
Đây là năm đầu tiên Bộ tiến hành việc xét miễn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ với những chứng chỉ có uy tín. Ý kiến của độc giả chúng tôi sẽ lưu tâm xem xét trong quá trình tổ chức kỳ thi này và rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện. Nhưng cũng cần phải nói việc tuyển sinh ĐH là quyền tự chủ của các nhà trường, khi xét tuyển sinh học xét từ cao đến thấp, còn xét tốt nghiệp chỉ cần đạt chuẩn, nên việc sử dụng kết quả chứng chỉ ngoại ngữ là 2 trường hợp khác nhau.
Tôi là phụ huynh, quá sốc khi Bộ Giáo dục thay đổi kỳ thi tốt nghiệp và đại học. Tôi đã định hướng cho con theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục là thi theo ban, theo khối. Nay lại thay đổi, cả phụ huynh và học sinh đều bối rối, không biết sẽ phải làm thế nào?
Hưng Yên, 45 tuổi, Hưng Yên
Bộ trưởng:
Để thi tốt nghiệp các cháu phải thi 4 môn trong đó có 3 môn bắt buộc, một môn tự chọn. Điều này không có gì thay đổi so với trước. Thi để xét tuyển đại học vẫn là tổ hợp các khối thi, môn thi như trước. Các trường có thể có thêm tổ hợp khối thi mới. Nhưng Bộ đã quy định chỉ tiêu để xét khối thi mới không vượt quá 25%. Đồng thời các nhà trường muốn bỏ khối thi truyền thống, thay khối thi mới phải thông báo trước ít nhất 3 năm. Tức là khi học sinh vào lớp 10 đã biết để định hướng việc học tập. Nên con của bạn chuẩn bị thi theo ban nào thì cứ thi theo ban đó.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sau khi có quy chế hoàn chỉnh sẽ được kéo dài ít nhất là bao nhiêu năm? Tôi có con thi vào năm 2017, liệu quy chế hiện hành còn tác dụng? Xin cám ơn Bộ trưởng!
Đỗ Trọng Trung, 43 tuổi, Hải Phòng
Bộ trưởng:
Theo quyết định của Quốc hội, chương trình SGK mới sẽ được triển khai vào năm học 2018-2019. Số học sinh vào đại học của chương trình này nhanh nhất là 2021. Như vậy quy chế hiện nay sẽ ổn định đến 2021.
1. Trong dự thảo quy chế thi có ghi ít nhất 2 tỉnh một cụm thi, là cụm dành cho thí sinh xét ĐH, CĐ hay chỉ xét tốt nghiệp?
2. Nếu các trường không đủ điều kiện mà Bộ đưa ra thì môn tiếng Anh đổi thành môn khác, có nghĩa là môn tiếng Anh trở thành môn tự học sinh chọn hay môn do trường, Sở hay Bộ chọn cho học sinh?
3. Khi nào thi tốt nghiệp và đại học hết thay đổi?
Nguyễn Quốc Vĩnh, 35 tuổi, Cà Mau
Cục trưởng Mai Văn Trinh:
1. Kế thừa những ưu điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ những năm qua, kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ được tổ chức thành các cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì. Với các địa phương có khó khăn, nếu địa phương đề nghị, Bộ sẽ thành lập cụm thi tỉnh giành cho những thí sinh dự thi chỉ để tốt nghiệp THPT. Cụm thi này cũng do ĐH chủ trì. Như vậy các cụm thi liên tỉnh cũng sẽ giành cho các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp đối với các địa phương thuận lợi (Nếu địa phương có điều kiện thuận lợi, không đề nghị thành lập cụm thi tỉnh thì các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp cũng sẽ dự thi ở cụm thi liên tỉnh).
2. Với môn Ngoại ngữ, nếu điều kiện dạy học không đảm bảo (đội ngũ giáo viên không đủ, không đạt chuẩn; học sinh học không liên tục; điều kiện trang thiết bị dạy học không đảm bảo...) thì giám đốc Sở GD&ĐT quyết định cho phép học sinh được chọn môn thi thay thế (trong số các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa) cho môn Ngoại ngữ.
3. Quy chế hiện tại, như Bộ trưởng đã trả lời, sẽ ổn định đến năm 2021.
Trên tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà, Bộ chủ trương đề ra phương thức thi mới theo hướng giảm áp lực và tốn kém. Tuy nhiên, phương thức này liệu có mang lại hiệu quả cao nhất khi độ tin cậy chưa cao, cụ thể các kỳ thi THPT còn nhiều bất cập, các trường tự chủ tuyển sinh sẽ đảm bảo được tính minh bạch và tin cậy hay sẽ dẫn tới việc đào tạo tràn lan và không có chất lượng như hiện nay? Được biết, một số nước khác tiên tiến như Trung Quốc, Hàn quốc đều cân nhắc giữ kỳ thi đại học quốc gia để lựa chọn nhân tài vào đại học, liệu phương pháp này có phù hợp với Việt Nam chúng ta hay dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, đào tạo không có chất lượng, nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nhưng chưa nhiều công trình khoa học như các nước bạn và liệu đổi mới phương thức thi sẽ đổi mới tư tưởng trọng bằng cấp thay vì chú trọng đào tạo năng lực hiện nay?
Mong Bộ trưởng cân nhắc và có phương án phù hợp để nước Việt không còn tụt hậu xa với các nước thế giới!
nguyen thanh tan, 24 tuổi
Bộ trưởng:
Kỳ thi THPT quốc gia giữ lại những ưu việt của việc tổ chức thi tuyển sinh ĐH - phương thức mà được các chuyên gia trong ngành và cả xã hội tin tưởng. Điều đó có nghĩa là những lo lắng của xã hội về mức độ tin cậy thấp vào kỳ thi THPT quốc gia đã được loại bỏ. Để hình thành người lao động mới thì phần lớn tùy thuộc vào thay đổi trong giáo dục đại học mà Bộ đang chỉ đạo triển khai. Việc thay đổi nội dung dạy, học, thi, kiểm tra đánh giá góp phần từng bước chuyển việc dạy truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực và phẩm chất của người học, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học như bạn quan tâm.
Xin Bộ trưởng giải đáp một số băn khoăn của cháu như sau:
1. Theo đề án thi quốc gia thì đề thi sẽ dùng chung cho cả hệ THPT và GDTX, mặc dù đề sẽ sử dụng phần giao thoa giữa hai chương trình, nhưng rõ ràng là mức độ của hai hệ là khác nhau (giống chương trình nhưng khác về mức độ), vậy có dẫn tới sự thiệt thòi cho học sinh GDTX không?
2. Việc công bố trước các môn thi và học sinh được quyền chủ động chọn môn thi liệu có dẫn tới sự học lệch của học sinh không? Hơn nữa việc sử dụng kết quả đánh giá quá trình vào kỳ thi liệu có dẫn tới hiện tượng các trường chủ động nâng điểm tổng kết cho học sinh của mìn không? Bộ sẽ quản lý việc này như thế nào?
Nguyễn Đức Mạnh, 32 tuổi
Cục trưởng Mai Văn Trinh:
1. Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Do vậy, đề thi phải đáp ứng được yêu cầu nói trên. Đề thi gồm các câu hỏi ở mức độ cơ bản (phù hợp với cả học sinh THPT và GDTX), thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đủ đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp; các câu hỏi ở mức độ nâng cao dần nhằm phân hóa kết quả thí của thí sinh để sử dụng trong tuyển sinh. Đề thi sẽ được xây dựng để đáp ứng yêu cầu này, đảm bảo quyền lợi của cả học sinh THPT và học viên GDTX.
Bộ Giáo dục có đường dây nóng riêng không thưa Bộ trưởng để người dân có thể phản ánh và góp ý và xây dựng một nền giáo dục vững mạnh cho nước nhà.
Nguyễn Hồng Anh, 28 tuổi
Bộ trưởng:
Chúng tôi đã công bố địa chỉ email c |
( Theo www.dantri.com.vn ) |
|
In bài viết |
Gửi cho bạn bè |
Phản hồi |
|
|
Các bài mới đăng : |
» Cách xử lý khi không thể kết nối internet (08/04/2015) |
» Cách xử lý khi không thể kết nối internet (31/01/2015) |
» Bắt 2 người Trung Quốc lừa đảo tiền tỉ (24/01/2015) |
» Phó ban Nội chính thay ông Nguyễn Bá Thanh điều hành công việc (22/01/2015) |
» Biển Đông nếu nóng lên, sẽ nóng gấp nhiều lần câu chuyện giàn khoan (27/12/2014) |
» Các ông bố Trung Quốc xếp hàng chờ... đau đẻ (26/12/2014) |
» VIDEO: Đặc công Việt Nam trình diễn khí công trước đặc nhiệm Australia (24/12/2014) |
|
Các bài đã đăng : |
» Tin tổng hợp nào "Thanh niên hai họ ẩu đả tại đám cưới vì tranh nhau hát" (23/12/2014) |
» HƯỚNG DẪN CÁCH KHẮC PHỤC SỰ CỐ MẠNG DÂY (17/12/2014) |
|
|
|
|