N.M.T (23 tuổi) đã nhiều lần suy nghĩ như vậy trong suốt 2 năm vùi mình vào những cuộc đua xe phân khối lớn chỉ thường diễn ra buổi đêm. Chiến thắng từ mỗi trận đua đem về cho đội T. số tiền ít nhất vài tỉ đồng. Sau mỗi trận thắng là những cuộc ăn chơi, thác loạn. Nhưng sau tất cả, T. chưa bao giờ thoát ra khỏi thân phận đau khổ của mình.
Tìm đến cuộc chơi vì tiền. Tìm đến tốc độ để quên đi cái tên và con người mình. Nhưng những ám ảnh về cuộc đời như cái bóng bám riết lấy T. T. hiền hơn những gì người khác có thể hình dung về một tay đua khét tiếng. T. kể về cuộc đời mình khi chỉ còn một trận đua sống chết để giã từ đường đua…
Kỳ 1: "Tôi như con hổ được ra khỏi chuồng..."
Những ngày này tôi lang thang trong vô định. Nghĩ lại tất cả những gì đã qua, tôi thấy ớn lạnh. Những cuộc chơi khiến tôi say trong tốc độ và tiền bạc. Con người chỉ biết đến tiền và bỏ qua tất cả mọi thứ.
Có nhiều khi nghĩ lại, trong hơi men cay cay, tôi hình dung về tương lai, về cuộc đời còn dài ở phía trước. Rồi tôi sẽ đi về đâu? Những ngày phiêu bạt không mục đích, cuộc sống không ý nghĩa sẽ kéo dài đến bao giờ? Cứ quậy phá, đua xe cho hết ngày mãi sao?
Chưa có quãng thời gian nào tôi thấy bình yên thực sự. Chưa có khoảnh khắc nào tôi được cảm nhận có ai nhớ đến tên mình. Cuộc sống cứ lềnh phềnh, trôi dạt trong cô độc.
Tôi lại nghĩ về những ngày xưa. Nhớ về những gì đã trải qua. Cái ngày mà tôi bắt đầu ra khỏi nhà và bắt đầu một cuộc sống mà tôi chưa từng hình dung nổi…
|
T. kể về cuộc đời mình khi chỉ còn một trận đua sống chết để giã từ đường đua. |
Tôi đã chờ đợi ngày đó lâu lắm, đã nhịn nhục trong gia đình đó 18 năm trời. Nhìn lại quãng thời gian đã qua, tôi thấy sợ và ớn lạnh. Khi tôi quay trở lại ngôi nhà đó, tôi sẽ không còn là tôi của ngày đã qua nữa. Những gì đã qua luôn khắc sâu trong ký ức tôi, nhắc nhớ tôi một điều rằng, dù có phải chết tôi cũng không quay lại!
Mẹ tôi là người vợ thứ 4 của ông - người tôi vẫn gọi là bố. Cho đến năm lớp 10, tôi mới vỡ lẽ tôi không phải con đẻ của ông. 18 năm qua tôi chỉ là một đứa con nuôi, không hơn không kém. Và tôi hiểu quãng thời gian ấu thơ vì sao tôi bị đối xử như thế. Dấu ấn cả một thời cấp 3 khi tôi biết nhận thức hơn về cuộc sống cứ in hằn, cứa vào tim tôi những nỗi đau không thể nào lắng xuống hay xoa dịu đi.
Ngày nào tôi cũng bị mắng, chửi, đánh đập và thậm chí nguyền rủa cho chết. Sáng dậy sớm từ 4 giờ, cho lợn ăn rồi dọn dẹp sạch sẽ, đến 7 giờ mới được đi học. Từ nhà đến trường xa 3 cây số, đi bộ thì muộn học nên phải chạy mới kịp. Trên lớp tôi mặc cảm về bản thân, xa lánh bạn bè, không chơi với bất kỳ ai. Nhiều lúc chán nản, suy nghĩ nhiều, tôi bỏ học và đi uống rượu một mình.
Ngồi một mình, tôi thấy cô đơn, cảm giác lạnh lẽo ùa về. Muốn chết đi cho khuất mắt, muốn bỏ đi… nhưng sợ mẹ ở nhà bị ông ta đánh nhiều hơn. Tôi thương mẹ vì ngày nào mẹ cũng đi chợ từ sớm khi gà chưa gáy sáng bán rau cho đến tối mịt, mẹ cũng bị ông đánh sau những cơn say nhưng vẫn nhẫn nhịn, im lặng, cắn răng chịu đựng nuôi tôi lớn…
Đã nhiều lần tôi phải lắng nghe những câu ấy: “Mày chui đầu vào bể nước mà chết đi để tao đậy nắp lại. Mày sống làm gì cho phí cơm”, “Mày là thằng con hoang, đứa con ngoài giá thú”… Lại những trận đòn. Tôi đau.
Hôm nào cũng vậy, tôi nấu cơm, mang lên nhà mời mọi người ăn. Riêng tôi, tôi phải ăn thật nhanh. Nếu không ăn nhanh tôi lại sẽ bị chửi. Chỉ được ăn một bát cơm. “Mày ăn ít thôi, còn phần chó. Con chó con mèo còn được việc hơn mày” - ông ta luôn quát tôi như vậy. Chưa bao giờ tôi được xới cơm lần thứ hai trong một bữa cơm. Tôi đã quá quen với điều đó.
Ăn xong, trong những lúc tôi đang dọn dẹp nhà cửa, ông cầm cái gậy đập ngang vào đầu làm tôi gục xuống. Thêm những lời mắng chửi. Rượu pha thêm niềm vui cho cuộc sống của ông bằng những lần giơ gậy đập đánh, không cần biết người hứng chịu ra sao. Còn tôi, tôi phải học cách biết chịu đựng.
Có lần, cũng sau khi ăn cơm xong, ông xuống bếp, cầm con dao và rạch ngang vào ngực tôi. Thêm một nhát lên má, một nhát gần mắt. Ông trói tôi vào cái cây ở góc vườn từ 2 giờ chiều đến 11 giờ đêm.
11 giờ đêm, trời mưa to, tôi đói, sợ và mệt lử, máu trên người cũng đã đông lại. Ông lại xuất hiện, đưa cho tôi 2.000 đồng để đi mua thuốc lá.
Lại đi mua thuốc lá trong đêm như nhiều đêm. Trời tối om, không nhìn thấy đường nhưng tôi đi đã thành quen, quãng đường hơn 100m hoàn toàn đi theo quán tính. Chân đất, đội nón, dốc trơn rồi ngã… Ướt hết người nhưng tôi vẫn giữ để điếu thuốc không bị làm sao. 10 điếu du lịch đỏ tôi gói vào trong người cho khỏi ướt. Máu vẫn chảy trên mặt tôi.
Đêm nằm ngủ trên một cái giường ọp ẹp, không có chăn, tôi co ro vừa khóc vừa nắm chặt tay nén lại những cơn đau của một ngày…
Suốt ba năm cấp ba, mọi thứ tình cảm trong gia đình tôi không còn, một nụ cười cũng không có. Đêm nào tôi cũng nhìn qua ô cửa sổ để ngắm ông trăng và đếm những vì sao. Tôi ước chỉ có một mình tôi khóc cho tất cả mọi người trên thế gian này. Tôi bất hạnh nhưng tôi không muốn nhìn thấy ai khóc trước mặt tôi. Tôi ước tôi không phải thấp thỏm khi không ngủ được vì sợ ông bắt gặp…
Cứ mỗi lần nhớ đến những gì đã trải qua, tôi lại khóc, cảm giác đau đớn khiến tôi ôm lấy ngực và gục xuống. Đêm trôi đi trong nước mắt, tủi hờn và mệt nhọc.
Thời ấu thơ của tôi cứ trôi đi như thế. Hết cấp ba, trước khi đi khỏi nhà, ông ta dặn tôi: “Mày đi thì hãy nhớ, tao nuôi mày suốt 18 năm qua cho mày ăn học. Mày nợ tao cái giá là 200 triệu đồng công nuôi. Kiếm được tiền phải trả tao, tao chỉ cho mày thời hạn trong vòng 5 năm!”.
Tôi gật đầu và quay mặt bước đi, trong túi có 300 nghìn đồng. Nhưng lúc đó tôi không lo lắng về tương lai của mình. Chỉ thấy một cảm giác thật thoải mái. Tôi giống một con hổ (tôi sinh năm Bính Dần – 1986) bị giam giữ lâu ngày thoát ra khỏi chuồng. Ôi, ngày tự do của tôi.
Kỳ 2: Nghĩa trang - nơi yên bình nhất của tôi