Kết hôn để “đào mỏ”
Chỉ vì lực hút kim tiền mà bất chấp dư luận, hạnh phúc để đeo bám “cậu ấm, cô chiêu”, nhằm có cuộc sống vinh hoa phú quý, có “cái ghế danh vọng” vững chắc là sai lầm của nhiều người trẻ bây giờ.
Như có anh hám tiền, sẵn sàng chia tay tình yêu đẹp từ thuở ấu thơ, chấp nhận kết hôn với “kiều nữ” thành phố. Đến khi đầu đã điểm hai thứ tóc mới ngậm ngùi: “Số tôi nó khổ. Vớ phải con vợ không biết gì, chẳng khi nào lo chuyện cơm nước, lại còn hỗn láo, coi khinh bố mẹ chồng. Đời tôi quả thật rất nhục nhã”.
“Bác sỹ bảo cưới”
Xã hội “Tây hóa”, “ăn cơm trước kẻng” thế kỷ 21 là chuyện tầm phào. Có gì phải ngạc nhiên khi bụng cô dâu đã vượt quá mặt? Một hậu quả nhãn tiền của lối sống “thử rồi mới mua”, “trúng rồi mới cưới”.
Thông thường trong vấn đề này, con gái chịu áp lực nhiều nhất. Họ tỏ ra lo lắng về quyết định của chàng trai. Bên nội mà đồng ý rước nàng về dinh và “tác giả bào thai” kiên quyết cưới vợ để đứa con ra đời trong sự yêu thương của cả bố lẫn mẹ thì đó là “tin mừng rơi nước mắt”. Nhưng nếu người ta ngãng ra, còn bà bầu làm tới bến, buộc phải cưới thì lại là tai họa khôn lường.
Rời khỏi nhà
Một số người rơi vào trường hợp đau khổ vì chịu không nổi cuộc sống gia đình nghèo khó. Họ cam tâm lấy chồng để bớt đi gánh nặng cho cha mẹ. Cũng có người do không muốn bị mẹ ghẻ hay bố dượng áp bức, chì chiết, cũng chấp nhận ra đi, coi như là một giải thoát. Trường hợp này hôn nhân cũng khó lòng hạnh phúc.
Vì bố mẹ ưng
Anh Ân (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đang công tác tại Đà Nẵng bị bố mẹ gọi về cưới vợ ngay lập tức: “Gia đình đã ngắm được con bé xóm bên, vừa tốt nghiệp trung học, trẻ người, tốt tính, lại khỏe mạnh, có thể ra đồng làm ngô khoai, cày cấy quanh năm 4 mùa”.
Lúc đó anh bất mãn lắm, phản đối kịch liệt, không phải vì chuyện bị ép cưới vợ sớm mà tự ái vì “bị đặt vào sự đã rồi”. Thế nhưng nếu không làm theo ý các cụ thì chẳng đời nào xong. Quê anh vẫn giữ nét phong tục cổ hủ. Phen này không về cưới, chỉ có nước bỏ xứ mà đi. Anh đành ngậm ngùi cho yên ấm, kể cả chưa gặp mặt “cô dâu được chấm” dù chỉ một lần.
Vì muốn có con
Có người ngộ nghĩnh ngang nhiên chọn giống như chọn “heo” để con lai F1 tốt nhất. Ví như chị Hoa, kế toán trưởng một công ty dầu khí có tiếng của Mỹ, đặt trụ sở giao dịch tại TPHCM, sẵn sàng bỏ qua lời ong tiếng ve của mấy anh đồng nghiệp “xí”, bất chấp lời khuyên ngăn, phản đối của gia đình, bè bạn, để kết hôn cùng một gã kém mình 2 tuổi, vẫn lông bông, nhưng được cái đẹp trai, cao to lực lưỡng. Lý lẽ chị đưa ra là “để cải tạo giống nòi”.
Cho con một người mẹ/cha
Nếu bạn tìm được người thích hợp thì xin chúc mừng. Nhưng nếu liều lĩnh miễn sao con cái danh chính ngôn thuận có cha/mẹ thì rất nguy, bởi đôi lúc dì ghẻ/cha dượng không muốn thân thiện với “con người”. Ngoài ra, bạn cũng nên tính toán cảm giác mấy đứa bé lớn lên trong cảnh “con anh, con tôi, con chúng ta”, khá mệt mỏi và tẻ nhạt.
Áp lực xã hội
Khi bạn bè đã “yên bề gia thất”, khi nay người này hỏi mai người kia giục chuyện kết hôn, bạn dễ rơi vào tâm lý “chọn đại”để tránh áp lực. Quan niệm “không lấy được người mình yêu thương thì lấy ai cũng vậy” hoặc chấp nhận một chốn ẩn thân sau cuộc tình đổ vỡ sẽ khiến cho cuộc sống sau hôn nhân nặng nề và giết dần tâm hồn bạn.