Chuyện bắt đầu từ ngày 11/12/2008, UBND xã Thạnh Phú thành lập Ban giải phóng mặt bằng hành lang lộ giới dài 10 Km. Vì nằm trong phần đường giải tỏa nên UB đề nghị ông Trịnh Phước Lộc (chủ quán cà phê Hồng Ngọc, cạnh QL 1A, ấp Rạch Sên) chặt nhánh cây sung. Vừa chặt xong, nước trong thân cây chảy ra, nhiều người hiếu kỳ thấy lạ đã hứng uống. Tin đồn “nước thánh” lan truyền từ đây.
Khi chúng tôi đến, nhiều người đang tranh nhau múc từng muỗng “nước thánh” uống với hy vọng sẽ chữa được bệnh trong người. Có gia đình hứng cả chục lít dự trữ phòng khi ốm đau.
Từ khi thông tin trong cây sung có thần linh nhập vào cứu nhân độ thế thì quán nước giải khát Hồng Ngọc luôn tấp nập khách. Có nhiều vị khách ở tận TPHCM, Vĩnh Long, Cần Thơ… lặn lội đường xa để kịp hứng nước thánh. Đáng lo ngại hơn, mỗi lượt cúng viếng, chân nhang, hoa quả chung quanh gốc cây tăng lên “quá tải”. Người dân quanh vùng tụ tập đông đúc, túc trực cả ban đêm để hứng nước gây mất an ninh trật tự, ách tắc giao thông và bỏ cả công việc mưu sinh của gia đình.
Theo nhận định của một số người có kinh nghiệm sưu tầm cây cảnh thì hiện nay có 2 loại cây sung rừng và sung cảnh phổ biến ở ĐBSCL. Đặc điểm của sung cảnh chứa nhiều nước trong thân nên khi chặt nước chảy ra là chuyện bình thường. |
Một số người vì quá mê tín, bị bệnh nguy cấp vẫn không chịu vào bệnh viện mà ngồi hàng giờ dưới cái nắng đổ lửa hứng nước với hy vọng “nước thánh” trị hết bệnh. Theo chân đoàn xin “nước thánh”, chúng tôi gặp bà Lâm Thị Thu Hồng (vợ ông Lộc), chúng tôi bày tỏ căn bệnh đau bao tử lâu năm trị hoài không khỏi, thương tình bà bấm bụng “biếu” chút ít “nước thánh” đem về uống. Với loại nước trắng đục không mùi vị nhiều người cho là “nước thánh” thì chúng tôi chỉ biết... nhìn.
Xã Thạnh Phú có đến 55,5 % dân số là người Khmer, tỉ lệ biết chữ còn thấp. Hầu hết người dân chữa bệnh bằng bùa chú, nước thiêng (phản khoa học) là chủ yếu. Ông Nguyễn Văn Trưởng - Trưởng CA xã Thạnh Phú cho biết: “Người Khmer xem trọng tín ngưỡng tôn giáo, đặc biệt là thần thánh. Công an xã kết hợp với Công an huyện vận động, giải thích, nhiều người vẫn không tin những việc phi lí của “nước thánh””.
Nhận thấy sự việc ngày càng phức tạp, ngày 15/12/2008 Đảng uỷ, UB xã cho cưa hạ cây sung, vận động gia đình ông Lộc ký biên bản cam kết không truyền bá mê tín dị đoan. Đồng thời giải thích giáo dục cho người dân hiểu rõ loại nước này chưa qua kiểm tra, phân tích của ngành y tế có thể ảnh đến sức khỏe người uống.
Tuy cây sung được cưa tận gốc, nhưng người dân vẫn moi đất chung quanh gốc lấy muỗng cào từng giọt nước uống. Ông Mai Thanh Cầu (ảnh bên), Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Thạnh Phú bức xúc: “Vì muốn thu hút khách đi xe nên các cò xe ôm đánh vào tính hiếu kỳ của khách, cách phao tin thần thánh để câu khách đi xe đến xem. Giới bán vé số truyền miệng nhau và thổi phồng có thần linh cho may mắn để khách mua vé số làm cho vụ việc ngày càng phức tạp”.
Tai hại hơn, nhiều người còn truyền tai nhau có vị sư ở chùa Tịnh Độ, TP Sóc Trăng nằm mơ thấy cây sung, mách bảo đem về chùa làm thuốc cứu dân. Chúng tôi tìm đến tận Tịnh Độ Cư sĩ (Phật hội Việt Nam Hưng Hoà Tự) tìm hiểu sự việc. Cô Hằng, dược sĩ phụ trách dược liệu của Tịnh Độ cho biết, mủ cây sung có thể bào chế làm thuốc chữa các bệnh thông thường như: đau bao tử nhẹ, bổ huyết, trị đau răng, chứ không thần diệu như tin đồn. Cô Hằng khẳng định Tịnh Độ không có sư, chỉ có cư sĩ và giấc mơ về cây sung là chuyện hoang đường.