Bộ sưu tập hàng hiệu
Nổi tiếng ngay từ năm thứ nhất về diện ăn chơi, Đạt - sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM càng làm cho tụi bạn ngạc nhiên hơn với chiếc Mercedes bóng lộn. Đạt khoe: “Nịnh mãi cuối cùng ba mẹ mới chịu tậu cho con Mercedes. Lúc đầu, cũng định mua BWM thôi, nhưng xe đấy “cổ” rồi. Chơi Mercedes mới sành điệu”.
Nghe bạn bè kể, Đạt có ba làm tổng giám đốc một công ty chuyên kinh doanh hải sản, mẹ là giám đốc công ty truyền thông, thế nên chuyện ăn tiêu của Đạt không thành vấn đề. Mỗi bộ quần áo Đạt mặc trên người, có khi đến cả chục triệu đồng. Chiếc quần jeans hiệu Dolce & Gabbana xách tay từ Ý về trị giá cả nghìn đô, đôi giày hiệu Gianni Versace giá cũng ngót 10 triệu. Ngoài ra, các phụ tùng như: máy tính xách tay Vaio, điện thoại Nokia 8800, đồng hồ Omega mạ vàng 18k…cũng là những vật dụng “bình thường” trong bộ sưu tập của Đạt. Chiếc xe Mercedes mới sắm càng làm cho bộ sưu tập của Đạt thêm phong phú hơn.
|
… tự hào trong chiếc xe Lexus 470 mới cóng |
Từ khi có xe, những cuộc ăn chơi của Đạt “quý tộc” cũng được nâng tầm. Đạt thường tổ chức cho đám bạn bè những chuyến đi chơi xa hoặc tụ tập tại các sàn nhảy nổi tiếng Sài thành. Có lần, khi đứng ra thanh toán hóa đơn cho cả nhóm, Đạt rút ví cả tập hơn 30 vé khiến cả lũ bạn trố mắt kinh ngạc.
Các cuộc ăn chơi càng nhiều thì số buổi lên lớp càng thưa dần. Hoàng Lan (bạn cùng lớp với Đạt) cho biết: “Cả tuần may chăng thấy Đạt đến lớp được một buổi, có ngồi học cũng chỉ gục mặt xuống bàn thôi, điệu bộ xem chừng mệt mỏi lắm”. Kết quả là, học kỳ đầu tiên năm thứ nhất, Đạt đã phải thi lại đến… 5 môn.
Đi ô tô không phải đội mũ
Từ khi có qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, Tiến - sinh viên trường Đại học thương mại Hà Nội, đã chuyển sang xài ô tô, để đi cho nó “tiện”. Tiến nói: “Mỗi lần đi ra đường, mình thường chải đầu, vuốt keo nên đội mũ vào rất khó chịu. Vì thế chuyển sang đi ô tô mình thấy tiện ích hơn nhiều”.
Hình minh hoạ - không phải Duy trong bài
Thuộc dạng con nhà giàu nhưng ngoan ngoãn, chăm chỉ học nên ba mẹ Tiến cũng không tiếc tiền khi tậu cho con trai chiếc xe Camry màu bạch kim thay cho xe máy để đến trường. Mẹ Tiến tâm sự: “Thấy con tôi bảo ngại đội mũ bảo hiểm vì bí và khó chịu, muốn dùng xe ô tô đi cho tiện nên tôi mua cho em một chiếc. Bây giờ, giá xe Dylan đời mới cũng hơn trăm triệu, thế nên, cố thêm chút xíu mua cho con chiếc ô tô đi tôi thấy cũng hợp lý. Miễn là con tôi vẫn ngoan ngoãn và chịu khó học là được”.
Hình minh hoạ - không phải Duy trong bài
Còn Duy - sinh viên trường Genetic - Đại học Bách Khoa, có bố chuyên buôn ô tô nên xin một chiếc để đi là chuyện khá đơn giản. Trước đây chưa có quy định đội mũ bảo hiểm, Duy thường xài xe tay ga. Nay, thấy đội mũ bảo hiểm rất bất tiện khi đi chơi cùng bạn bè, nên Duy thích đi ô tô cho … thoải mái.
Có ô tô riêng, việc tụ tập đi chơi cùng bạn bè càng thuận tiện hơn. Chỉ alo một cái, là tất cả tụ tập tại một chỗ đợi Duy qua chở luôn cả bọn. Được thể, bố kinh doanh ô tô nên Duy thường xuyên thay đổi xe. Bạn bè đều lác mắt mỗi khi thấy Duy lúc thì đi Toyota màu trắng tinh, khi lại chuyển sang con Mazda 6 trẻ trung, lúc lại đi con Lexus đen sang trọng. Duy đi ô tô, xài đồ hiệu, lại phóng khoáng nên bạn bè càng thêm “nể”.
|
Thúy Nga với chiếc Civic đến trường |
Không chỉ có nam sinh viên đi ô tô đến trường, Thúy Nga, sinh viên Đại học Hà Nội thỉnh thoảng cũng lái chiếc Honda Civic đến trường. Cô tâm sự: “Thời tiết ở mình mưa nắng thất thường, đường lại bẩn và bụi bặm nên tớ đi ô tô cho sạch và đỡ bụi, lại không phải đội mũ bảo hiểm nữa”.
Mỗi lần đi ra ngoài, Nga thường thích mang theo bên người các đồ đạc lỉnh kỉnh: máy tính xách tay, máy nghe nhạc, túi xách, mũ, nón, đồ trang điểm và thậm chí cả … quần áo để buổi tối đi chơi còn đổi mốt. Chiếc ô tô của cô đã phát huy thêm tác dụng làm tủ chứa đồ di động.
Hình minh hoạ - không phải Duy trong bài
Thuý Nga cho biết, ban đầu cô cũng ngại đánh xế hộp đến trường vì sợ bạn bè bàn tán, nhưng sau này thấy nhiều sinh viên trong trường đi ôtô nên cô cũng mạnh dạn hơn khi xuất hiện với chiếc xe 4 bánh của mình.
Đã quen với việc sinh viên đến trường bằng ôtô, bác Trần Văn Kiên, bảo vệ ở trường ĐH Hà Nội cho biết: “Đôi khi có sinh viên đi vội vì bị muộn học, để xe sai qui định nên chúng tôi nhắc nhở đỗ xe đúng chỗ. Với những sinh viên có ôtô đi học, chúng tôi cũng tạo điều kiện để các em có chỗ đỗ xe an toàn, tránh xảy ra mất mát”.