Anh Hưng, Ba Đình, Hà Nội, là một doanh nhân thành đạt, đã có vợ và hai con, một trai, một gái ngoan ngoãn. Vợ anh là một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực khoa học, rất bận bịu nên ít có mặt ở nhà và không mấy khi nấu cơm, chăm sóc chồng con.
Mấy tháng gần đây, vợ anh bận làm dự án nên gửi hai con sang bên ngoại. Anh Hưng vì thế càng thấy trống trải và hay nhớ về những kỷ niệm với "người xưa", như khi nàng ngồi gội đầu cho anh hay cảnh hai đứa vừa ríu rít trò chuyện vừa nấu cơm trong căn nhà trọ vào những ngày cuối tuần.
Người yêu cũ của anh là mẫu phụ nữ dịu dàng, đảm đang. Hai người yêu nhau từ thủa sinh viên nhưng sau khi ra trường, chỉ vì vài chuyện tự ái vặt vãnh mà chia tay.
Một buổi tối ở nhà một mình, ngập ngừng mãi, anh cầm điện thoại bấm số máy của người yêu cũ. Không ngờ, nàng vẫn dùng số cũ và đồng ý ngay khi anh ngỏ ý muốn gặp lại. Hóa ra, cuộc sống gia đình nàng cũng không được êm ả. Sau vài lần gặp gỡ, dốc bầu tâm sự, hai người lại thân mật như ngày xưa. Trong thâm tâm, anh Hưng vẫn yêu vợ, thương con nhưng cũng không muốn cắt đứt với người yêu cũ. Vợ anh giờ vẫn chưa biết gì.
Theo chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, Giám đốc Trung tâm Tham vấn tâm lý Hoàng Nhân (9b ngõ 44 phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội, đường dây tư vấn 1900 571 507), có rất nhiều lý do cho việc ngoại tình với người cũ nhưng đa phần vì họ không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân hiện tại. Đôi khi, sự thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm chăm sóc của bạn đời hay sự không hòa hợp trong tình dục giữa vợ chồng cũng có thể làm người ta hướng đến kỷ niệm xưa.
Với phụ nữ, họ dễ rơi vào hoàn cảnh này khi không tìm được sự chia sẻ, đồng cảm từ chồng như từng có với người yêu cũ.
Trường hợp của chị Mai, Sóc Sơn, Hà Nội là một ví dụ.
Chồng Mai là một kỹ sư xây dựng, rất năng động, giỏi kiếm tiền và chiều chuộng vợ con. Thế nhưng, Mai vẫn luôn cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó trong căn nhà đầy đủ tiện nghi. Mai thấy chồng không có sự tinh tế để hiểu được tâm tư của mình cũng như anh không chia sẻ được những sở thích lãng mạn với vợ.
Một lần tình cờ gặp lại bạn trai cũ trong buổi hội thảo cơ quan tổ chức, trong lòng Mai sống dậy những kỷ niệm ngày xưa. Hai người hỏi thăm và chia sẻ với nhau về cuộc sống riêng tư và sau đó họ thường xuyên liên lạc, gặp gỡ. Đến bây giờ, Mai cảm thấy khổ tâm vô cùng bởi không thể bỏ gia đình nhưng mỗi khi nằm bên chồng lại chỉ nghĩ đến người tình.
Nhà tâm lý Mã Ngọc Thể cho biết, câu "tình cũ không rủ cũng tới" đúng trong một số trường hợp, khi mà vị trí của người xưa vẫn rất lớn, rất quan trọng đối với một người mà chồng/vợ hiện tại của họ không thể thay thế được.
Khi ngoại tình, họ thường có mặc cảm tội lỗi với bạn đời nhưng vẫn khao khát được bù đắp lại từ phía người tình nhằm khỏa lấp những thiếu hụt trong cuộc sống hôn nhân hiện tại. Đôi khi họ sống trong hai thế giới nội tâm vừa yêu thương vợ/chồng lại vừa nhớ mong người cũ.
Tuy nhiên, thực tế, đa số họ ít khi nghĩ tới chuyện bỏ gia đình đang có để quay lại với người xưa. Trong thâm tâm những kẻ "ăn vụng" luôn có sự đấu tranh giữa cái được và cái mất, giữa tình yêu của bản thân với trách nhiệm dành cho gia đình, con cái.
Nhà tham vấn chia sẻ, trong mỗi người ai cũng có những giây phút yêu thương ngoài vợ ngoài chồng, nhất là khi cuộc sống gia đình không được như mong muốn. Có người thậm chí nhiều khi còn có cảm giác như có thể dứt bỏ ngay bạn đời hiện tại khi nhìn nhận về những thiếu sót, khuyết điểm của người đó.
Tuy nhiên, những cảm xúc ấy rồi sẽ qua đi và gia đình, con cái vẫn là những gì đáng được trân trọng, giữ gìn và chăm lo nhất. Vì vậy, nếu có lỡ "say sóng", người trong cuộc nên cân nhắc mọi điều được mất để dừng lại đúng lúc. Bạn nên cố gắng suy nghĩ tích cực hơn về cuộc hôn nhân hiện tại và tìm cách vun đắp và tạo dựng cuộc sống tốt hơn, để những cảm giác yếu lòng với người cũ vùi sâu trong ký ức như một kỷ niệm đẹp.