Xe ga xịn "nhan nhản"
Sinh viên mà có nhà ở những thành phố lớn với điều kiện vật chất đầy đủ thì dĩ nhiên là ngày càng sướng. Lớn rồi nên ít có chuyện bố mẹ đưa đón đi học, lại còn “phải đi nhiều hơn, học thêm nữa…” nên dĩ nhiên cái đầu tiên được sắm sửa là xe máy. Và bây giờ thì những chiếc xe ga cao cấp cứ gọi là "nhan nhản" trong các bãi xe mà chủ nhân của chúng chính là các em sinh viên năm đầu 9x.
Cách đây 4 năm trước Thái (QG HN) có một năm đi học bằng xe buýt, sau đó bố mẹ mua cho một chiếc xe wave còn bây giờ Hương (em của Thái) là sinh viên năm đầu được bố mẹ mua cho một chiếc SCR mới cáu và 600.000 tiền đổ xăng hàng tháng. 400.000/ tiền điện thoại và khoảng 50.000/ngày tiền tiêu vặt. Hương điển hình cho thế hệ sinh viên sướng ở mức… vừa phải.
Cùng thế hệ 9x năm đầu nhưng H.T (KDCN) lại thuộc nhóm sinh viên cực sướng khi điểm thi vừa đúng điểm sàn nhưng cũng được đi học Đại học. Bạn bè của Trung ai cũng thắc mắc khi ngày nào cũng mang cặp đến lớp rất tử tế trong khi cậu chẳng bao giờ ghi bài, với cái cốp xe Ps to tướng để sách vở cũng đủ dùng nhưng Trung thích thế vì “mang cặp cho ông bà già yên tâm là mình đến trường”.
Nguyệt Minh (SV HV Báo chí và tuyên truyền - một trong những bạn của thế hệ SV sướng)
Laptop "thi nhau" đến trường
Lớp tiếng Anh K46 của HV Tàu chính có gần ½ trong tổng số 30 bạn có Laptop, một phần do đặc thù ngành học của các bạn cần máy tính nhưng đây thực sự là một con số mà những lớp của SV thế hệ trước "nằm mơ". Cũng là một ngành học cần máy tính, nhưng Quân (Báo k25 HVBC & TT) cho biết cách đây 4 năm khi là sinh viên năm đầu, lớp của Quân cũng chỉ có duy nhất một chiếc Sony Vaio đời cổ mà thôi.
Một số KTX như KTX Mễ Trì sinh viên bỏ ra 70.000/tháng và có mạng Internet để dùng. Những sinh viên không ở KTX hoặc KTX chưa có sẵn mạng thì có thể chủ động lắp dịnh vụ, Trang (ĐH VH) cho biết bạn và 3 người nữa lắp chung mạng ADSL với cước là 280.000/ tháng, như vậy mỗi tháng, một người chỉ mất 70.000, một cái giá khá rẻ.
Cách đây 4 năm Dũng (ĐH Bách Khoa) được bố mẹ cho 1.000.000 tiền ăn/ tháng và một suất ăn vừa đủ của cậu là 10.000/ bữa. Năm 2008 lạm phát khoảng 30% nhưng số tiền mà Nam (sv năm đầu Bách Khoa) nhận được gấp đôi số tiền của Dũng ngày trước. Nhà Nam ở ngay TP Thái Bình và hàng tháng bố mẹ của Nam còn gửi thêm gạo cho bạn vì cho rằng gạo ở HN không mới bằng và con mình lười đi mua.
Và những SV "sướng" ấy đang thể hiện mình thế nào?
Bố của Hà (KT – QG) là doanh nhân có tiếng của một tỉnh, bác chỉ cho con mình một chiếc xe đạp để đi học trong năm đầu tiên: “SV năm đầu chưa cần xe, quan trọng là phải đầu tư vào học tập, mua xe vào lại bao nỗi lo toan”. Nếu mua xe cho con sẽ phải cộng thêm cả tiền xăng đi lại nữa vì “không lẽ mua xe cho nó rồi vẫn cho bằng đấy tiền, như thế sẽ ăn uống không đủ chất, xa nhà… bác không thể yên tâm được.”
Các cha mẹ khác cũng băn khoăn vì: “Ở nhà nó chỉ được 15.000/ ăn sáng, mọi thứ đều có bác lo… đi học mỗi tháng gửi cho một cục 2 triệu, không biết có cân đối được chi tiêu không”. Tuy nhiên những gia đình khá giả đều sẵn sàng lo cho con mình “đầy đủ không thua kém bạn bè, miễn là nó học tập tốt.
Nhiều 9x đã chứng minh “sự sướng” của mình là xứng đáng, các bạn dùng số tiền mà ba mẹ cho để đầu tư cho những đam mê của mình, Ngọc (ĐH Ngoại thương) đăng kí học thêm tiếng Nhật vì bạn thích văn hóa Nhật, Thanh (HV BC & TT) đang tiết kiệm để mua cho mình một chiếc máy ảnh. Các bạn này khẳng định: “ba mẹ tạo điều kiện thì mình cũng sẽ cố gắng, không quan trọng là bố mẹ cho bạn bao nhiêu, cho bạn cái gì mà quan trọng là bạn sử dụng những điều đó như thế nào mà thôi”.
Tuy nhiên, thực tế cũng có nhiều bạn sau khi “cày cuốc” để thi lên đại học, coi thời gian năm đầu là để “xả hơi” và sẵn tiền lao vào chơi game, shopping…
Một sinh viên cho biết cậu dành mỗi ngày tới 5h để chơi game, một sinh viên nữ khác thú nhận “hình như” bạn nghiện mua sắm và tháng nào cũng phải mua thêm vài bộ quần áo. Một giảng viên đại học phàn nàn trên blog: “các em sinh viên bây giờ rất sướng, đi học có xe, có điện thoại, phòng học có cả máy chiếu nhưng lại có rất nhiều thứ thiếu… đặc biệt là tiếng Anh còn rất kém”.
Vẫn còn một khoảng thời gian phía trước để xã hội tò mò dự đoán xem thế hệ sv 9x vốn được coi là năng động nhưng lại rất nhiều lo lắng có thành công được như những gì sinh viên 8x trước đây đã từng làm hay không.
Chưa nhiều thời gian để lứa đầu của SV 9x được thể hiện mình. Cái "sướng" thì nhìn thấy rất dễ. Nhưng tận dụng những cái sướng ấy thế nào để phát huy tốt nhất khả năng của mình thì cũng chờ xem nhé!