Tại đây, tôi đã tận tai nghe và cảm nhận được những trăn trở của các đấng sinh thành về thế hệ trẻ.
Ngày thứ nhất
Câu chuyện được bắt đầu bằng một thắc mắc của bác sỹ T với nhóm bạn của mình. “Hôm qua, tôi bắt quả tang con bé nhà tôi (đang học lớp 9) nhận được một lá thư. Nó cứ giấu mãi sau lưng không cho tôi đọc. Tối đến, khi nó đi ngủ, tôi lén xem thì mới ngớ người ra. Toàn là các kí hiệu lạ hoắc, như chữ của người ngoài hành tinh vậy, tôi dịch mãi mà không ra. Đem lên cho thằng anh nó, thằng này cũng bó tay. Tôi sợ có chuyện gì, đêm hôm lại tức tốc chạy đến nhà cô chủ nhiệm, gõ cửa nhờ cô giúp nhưng cũng không ăn thua. Tôi photo đem lên cho mấy anh xem thử…” Chú T vừa dứt lời, mọi người đã tụm lại xem.
Thôi thì đủ cảm xúc biểu lộ trên khuôn mặt: nhăn nhó, chau mày rồi cuối cùng là phì cười. “Em nói thật với anh, cái này mà đưa cho tụi mình thì có mà cả năm vẫn dịch chưa xong. Theo em được biết từ thằng nhóc nhà em thì cái này gọi là ngôn ngữ chat, tụi nó biến thể đi đấy. À, tiện thể có cậu nhóc kia, anh nhờ xem thử!” - một chú nhìn sang tôi… Sau 5 phút định thần, tôi mới mạnh dạn cầm tờ giấy lên đọc. Đúng như tôi dự đoán, đây là chuyện tình cảm của cô bé nọ. Cô này và một cô bạn thân hẹn gặp nhau để làm cho ra ngô, ra khoai và việc hai người cùng thích một anh chàng…
Sau khi tóm tắt nội dung cho chú T, tôi nhận được một lời than thở nhói lòng: “Cháu nghĩ xem, mẹ nó thì mất sớm, còn một mình chú gà trống nuôi con, bây giờ lại hóa ra như thế này…” - chưa dứt lời, chú T đã nhanh chóng tạm biệt mọi người và lên xe tiến thẳng về phía trường học của cô con gái.
Ngày thứ hai
Vẫn chọn góc cũ, tôi tiếp tục cuộc hành trình bước vào thế giới người lớn của mình. Và ngày hôm nay bắt đầu bằng lời than thở của cô H. “Mấy ngày nay em mất ăn mất ngủ vì thằng nhóc ở nhà mấy anh chị à! Nhà sinh được mỗi một thằng con trai nên mình đặt hết kì vọng vào nó. Vậy mà đùng một phát, nhận được cuộc gọi của cô chủ nhiệm. Nó bỏ học hơn một tuần nay rồi…” - cô H nghẹn ngào.
“Sao vậy cô? Nó đi đâu vậy?” - mọi người chia sẻ. “Nó bỏ học đi chơi games mấy anh chị à. Nó thú thật với em là nó nghiện trò chơi đánh đấm gì đó rồi, dứt ra không được, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện đấm đá mà thôi, không tập trung vào học được. Em khổ quá, có anh chị nào giúp em với!” “Tôi nói thật, đã dính vào thứ ấy thì chết đó! Mấy ngày nay tôi đọc báo thấy người ta chia sẻ kinh nghiệm cai nghiện games, cô mua đọc xem thế nào. Nghe nói nhiều người đã thành công rồi đó” - một bác lớn tuổi lên tiếng. Thế là lại một đấng sinh thành lật đật ra đi trong ánh mắt buồn bã của mọi người.
Ngày thứ ba
Ngày hôm ấy cũng bắt đầu bằng đề tài về con cái nhưng nóng bỏng hơn khi nhắc đến tình yêu. “Tuổi tụi nó mà yêu đương gì, toàn là làm theo trên phim cả thôi” - cô X “nổ phát súng” đầu tiên khi nhắc đến đề tài này. “Như vậy cũng không đúng cô à! Theo tôi, tụi nhỏ bây giờ rung động sớm cũng là lẽ đương nhiên vì tụi nó sống đầy đủ, sung túc nên phát triển nhanh dẫn đến yêu sớm thôi. Nhưng cái chính là tụi nó thể hiện hơi bị quá đà” - một bác lên tiếng. “Đúng vậy, đọc báo chí mà em thấy lo quá. Ngày xưa, tuổi tụi mình yêu nhau thì chỉ chở về trên chiếc xe đạp là thấy vui rồi, nắm tay còn thấy đỏ mặt, nóng rang cả người, đằng này, tụi nó….” - một bác nữ bức xúc.
“Nghĩ lại thấy sợ mấy bác à. Trẻ con bây giờ nhiều đứa giỏi thì cực giỏi nhưng hư hỏng thì cũng dễ lắm. Mình cách xa tụi nó chỉ có vài chục năm mà như một thế kỉ ấy. Em và bố của nó phải học cách sử dụng internet, chat, mail để có thể bắt kịp với tụi nó các bác à. Đó là chưa kể đến việc phải luôn để mắt đến từng hành vi, cử chỉ của chúng để có gì còn can dự kịp lúc!” - cô chủ quán tham gia chia sẻ kinh nghiệm.
“Tôi cứ lo, không biết một ngày mình đột ngột ra đi, không biết tụi nhỏ sẽ thế nào!” - lời nói đậm tâm trạng của bác T vang lên. Lại một không khí im lặng bao trùm, dường như ai đó cũng mãi suy tư về chính mình, về gia đình và tương lai của con cái mình.
Kết
Chỉ qua 3 ngày thâm nhập vào thế giới của người lớn, tôi đã cảm nhận được sự lo lắng của các đấng sinh thành về thế hệ trẻ ngày hôm nay. Đứng trước một xã hội đầy cám dỗ, cạm bẫy, không bậc phụ huynh nào lại không lo trăn trở, lo âu cho những đứa con của mình. Những suy nghĩ ấy cứ ám ảnh, thường trực trong họ không lúc nào nguôi kể cả trong quán cà phê, nơi mà giới trẻ quan niệm là nơi thư giãn…..