Sinh viên sư phạm vẫn khó giảng
Trang, SV năm 4 trường SP Ngoại ngữ mấy tháng nay ăn ngủ không ngon chỉ vì chuyện “tập giảng”, ngày nào Trang cũng dành ra cho mình ít nhất là một tiết (khoảng 50 - 60 phút) một mình trong phòng trọ để giảng cho… mình nghe. Không những thế, hàng tuần Trang còn phải giảng thử 3 lần cho nhóm “duyệt”.
Trang cho biết, từ nhỏ tới giờ ít khi cô đứng trước đám đông để “thuyết trình” hay có một ý kiến nào đó nên việc đứng trên “bục giảng” giảng cho các bạn là cả một vấn đề … to uỳnh. Trang tâm sự: “Trời ơi, mỗi lần tập giảng trước nhóm (chỉ có khoảng 5 - 7 người) mà em đã run bắn lên, nói không ra tiếng… Không biết lúc giảng trước lớp 70 người lại có cả cô giáo em sẽ như thế nào đây…”
Hầu hết các SV đều “run”, không tự tin khi đứng trước đám đông, hơn nữa đây lại là một bài giảng thật sự nên quả là một “cực hình”. Đạm (ĐHSP) cho biết: “Hầu hết con gái bọn em, ai cũng run cả, cả đời có bao giờ đứng trước tập thể đâu mà không run hả anh…”
Tuy khó khăn như thế nhưng các bạn cũng phải hoàn thành công việc của mình vì đây là một môn học bắt buộc SV phải hoàn thành. Vân (ĐH SP Ngoại ngữ) có vẻ như mạnh dạn hơn các bạn khác cho biết, lúc đầu thì cũng “run” thật, nhưng một vài lần thì thành quen. Vân tâm sự: “Lúc đầu, nhóm cử em lên giảng, cũng run lắm, vã hết cả mồ hôi nhưng vài phút lấy lại bình tĩnh, em giảng “ngon lành” (cười)…”. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết Vân đã từng là “cán bộ” lớp. Có lẽ đây cũng là một thế mạnh giúp cô bản lĩnh, tự tin hơn.
Cô giáo Thái Thị Khương, Giảng viên khoa Lý luận chính trị (ĐHKH Huế) kể lại những câu chuyện vui khi mà bản thân cô đã trải nghiệm. Cô Khương nói: “Việc giảng bài quả thật không đơn giản. Ngày trước, tôi đi giảng để xin vào làm, giảng mãi phải đến hơn 2 tháng ấy thế mà vẫn không đạt… Có hôm giảng mà quên cả ăn chỉ vì… sợ “rớt”.
Sinh viên ngành khác còn khó giảng hơn
Trong trường ĐHKH Huế có một số ngành đến năm thứ tư có môn “Phương pháp giảng dạy”. Môn học này tạo điều kiện cho SV khi ra trường có thể làm công tác giảng dạy chuyên môn. Việc tập giảng đối với SV sư phạm đã “vất vả”, thì việc giảng tốt một bài đối với SV ngoài sư phạm lại là cả một… kỳ tích.
Nguyễn Văn Đông, SV ngành Triết học, được các bạn đánh giá là một trong những người giảng tốt nhất trong lớp. Ấy vậy mà khi đến giờ “giảng thật” để lấy điểm, Đông cũng “vướng” không ít khó khăn. Đông tâm sự: “Mấy lần giảng thử cho cô và các bạn nghe thì đều được khen tốt, nhưng khi giảng thật để lấy điểm cho cả nhóm không hiểu sao em thấy bị tâm lý, giảng không tốt, viết bảng thì “leo dốc”, viết thiếu từ “tùm lum”… may mà cũng được điểm giỏi…”
Nếu việc “líu lưỡi” nói không ra lời là chuyện "thường ở huyện" thì việc dùng khăn lau bảng “lau mặt” đã làm nhiều SV không còn “dám” lên giảng nữa. Tiến Đạt cho biết, những ngày “khổ luyện” để lên lớp giảng thật vất vả. Có hôm chỉ có 5 người trong nhóm đi tập với nhau nhưng đã xảy ra bao nhiêu chuyện “hài”. "Hôm lên giảng cho 5 người trong nhóm nghe, không hiểu sao chân tay em cứ cứng đờ, mồ hôi vã ra như tắm, khăn lau bảng có không chùi, lấy tay chùi bảng rồi lại “quẹt” lên mặt mình… Các bạn từ đó mà trêu em Đạt "mèo””.
|
Vừa bước qua lứa tuổi sinh viên, đã phải đứng trước bao ánh mắt của lớp người đi sau, quả là công việc khó khăn (Ảnh minh họa). |
Còn rất nhiều chuyện bi, hài khi SV tập làm thầy giáo, cô giáo, từ việc viết bảng, trình bày bảng, đến việc truyền đạt bài học đến người nghe (là các bạn trong lớp, cô giáo phụ trách môn). Thế mới thấy công việc giảng dạy là không hề đơn giản. Có bạn đã thốt lên: “Eo ơi, khó thế thì sau này chả đi dạy nữa mô… làm việc khác thôi”.
Thạc sĩ Đinh Thị Phòng, giảng viên khoa Lý luận chính trị (ĐHKH Huế), người trực tiếp phụ trách các lớp môn học “Phương pháp giảng dạy”, cho chúng tôi biết: "Chuyện các em lung túng khi tập giảng là việc hết sức bình thường, mãi rồi cũng quen. Việc gì cũng phải tập luyện nhiều mới thành công. Tôi đã dạy học gần 20 năm rồi mà có lúc vẫn còn lúng túng, huống hồ các em SV mới lần đầu “thử” làm giáo viên. Luyện mãi sẽ thành tài, sống lâu thì lên lão làng thôi…”.
Theo VTCNews