Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) kết hôn sau khi hoàn thành lớp Trung cấp kế toán. Tùng – ông xã Huyền tuy cùng chuyên ngành nhưng hơn hẳn vợ về mặt học thức. Giờ, anh sắp có trong tay tấm bằng Thạc sỹ và đang công tác tại một tập đoàn Tài chính của Singapore.
Hồi trước, Huyền cũng nuôi ước mơ học liên thông lên cao đẳng rồi đại học cho bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên, hoài bão này của cô sụp đổ khi kết hôn sớm và bận bịu chăm sóc ông bố chồng đang nằm liệt giường.
Sau đó, là khoảng thời gian Huyền tối mặt với hành trình mang thai và nuôi con nhỏ. Nhiều lần, Huyền ngỏ ý muốn theo lớp tại chức thì Tùng khăng khăng từ chối. Khổ nhất là khi có ai hỏi thăm về nghề nghiệp của vợ, Tùng lại nhanh miệng “Ối trời, nhà tớ chỉ giỏi nấu nướng, trông con thôi. Đỡ tiền thuê osin lắm”.
Ấm ức nhất là những lúc gia đình có khách, Huyền như biến thành một chân “chạy bàn” chính hiệu. Vừa ngồi xuống mâm, chưa kịp ăn cơm, Huyền đã bị chồng sai đi lấy “thêm chút muối”, “thêm quả ớt tươi”… Hôm trước, Huyền bàn với ông xã thuê người giúp việc vì em bé đã cai sữa, cô muốn tìm việc đi làm nhưng Tùng chỉ nhếch mép cười: “Cái bằng của em thì lương tháng được bao nhiêu hay chỉ đi quét rác cho thiên hạ”.
Cùng cảnh với Huyền nhưng Duyên (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại bị chị em gái nhà chồng chê khiếu thẩm mỹ “quê mùa”. Mỗi lần, Duyên có quần áo mới, y như rằng cô em chồng lại kiếm cớ bình phẩm “sao chị lại chọn màu này, trông lòe loẹt quá”. Dịp Giáng sinh năm ngoái, Duyên mua tặng em dâu một chiếc khăn quàng màu hồng phấn, thế mà cô ấy cũng giận dỗi, chê màu mè, không dùng. Rút kinh nghiệm, năm nay, Duyên sẽ đưa cho cô em dâu một ít tiền để cô ấy tự đi mua sắm.
Bực nhất là mỗi lần cả nhà quây quần ngồi xem chương trình Ai là triệu phú, Duyên có lỡ miệng đoán sai đáp án, ông xã lại bĩu môi: “Biết ngay mà. Em mà đi thi chắc trượt ngay từ vòng gửi xe”. Duyên không phủ nhận mình xuất thân từ vùng quê nghèo khó và cũng chỉ có tấm bằng tốt nghiệp hệ trung cấp nhưng thái độ của cả nhà khiến cô không ít lần phải ngậm ngùi…
Chia sẻ cùng người vợ
Song song với sự phát triển chung của xã hội, tình trạng vợ có học vấn và thu nhập tương đương thậm chí cao hơn chồng ngày càng nhiều. Một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học xã hội (khảo sát trên 4.000 người) cho thấy, 96% phụ nữ thường xuyên đóng góp thu nhập vào kinh tế gia đình. 4% còn lại là số người vợ ở nhà làm nội trợ (chủ yếu tập trung ở thành thị).
Một số trường hợp kết hôn sớm (sau khi vừa tốt nghiệp), phụ nữ thường khó có cơ hội học lên cao hoặc tìm kiếm việc làm như ý. Điều này giải thích vì sao nhóm phụ nữ này (dù chiếm tỷ lệ nhỏ) phải gánh chịu những thiệt thòi khi chung sống với gia đình nhà chồng, nhất là khi họ có học vấn thấp hơn hẳn so với chồng mình.
Ở vào hoàn cảnh này, tốt nhất, người vợ nên trao đổi với chồng để có cơ hội theo đuổi con đường học vấn cho bản thân mình. Cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc hơn nếu vợ chồng có quan điểm sống và trình độ tri thức không quá chênh lệch. Không những thế, nếu được làm việc ở bên ngoài, người vợ sẽ tự tin, năng động, biết mặc đẹp và tạo được sức hút với chồng.
Theo Mẹ Và Bé