|
Ảnh minh họa |
Hằng, cô sinh viên đại học Ngoại giao, nổi tiếng xinh đẹp, giỏi giang, nhưng lại yêu say đắm anh Cường, một người đàn ông đã bỏ vợ, đang nuôi một cô con gái nhỏ. Bạn bè trong khu ký túc thường bảo Hằng ngốc ngếch, vì xung quanh cô có không ít những chàng trai độc thân, tài giỏi theo đuổi, tại sao cô lại chọn một anh “gà chống nuôi con”. Một lần, nghe Hằng tâm sự, tôi mới hiểu, hóa ra tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà đôi khi xuất phát từ một cái nhìn thương cảm. Hằng làm gia sư cho con gái anh Cường được một năm, nhưng rất ít khi anh Cường thanh toán tiền học phí cho con gái.
Tối hôm ấy đang ngồi học bài, cô nhận được điện thoại của bé Hạnh, con anh Cường. Cô bé mếu máo trong điện thoại, nhờ cô giáo đến chăm sóc bố giúp, vì bố cháu đang say rượu. Nhìn người đàn ông ít nói, thương con gái hết mực đang nằm bất tỉnh trên giường, miệng không ngừng gọi “mẹ ơi!”, Hằng cảm thấy thương anh vô cùng. Cô lặng lẽ lau mặt, vắt cho anh cốc nước chanh muối giải rượu, rồi ngồi chăm sóc anh suốt buổi tối. Cảm giác được chăm sóc một người đàn ông, khám phá ra con người tiềm ẩn trong họ khiến Hằng thấy mình đích thực là một phụ nữ, theo đúng nghĩa. Tình yêu của họ bắt đầu như thế.
Và cái lắc đầu ngao ngán!
Tình cảnh “cô đơn” của những anh chàng "gà trống nuôi con" thường khá hấp dẫn trái tim phụ nữ, nhưng không phải lúc nào câu chuyện cũng diễn ra một cách suôn sẻ. Trên thực tế, nhiều cô gái không có đủ rộng lượng, lòng can đảm để giúp đỡ, sẻ chia những khó khăn chung với những anh chàng này. Các mối quan hệ với vợ cũ, cách ứng xử với đứa con riêng của chàng là một trong những rào cản khó vượt qua.
Quỳnh Anh yêu anh Hiếu được hơn một năm, mặc dù trước khi yêu, cô đã biết rõ cảnh nuôi con một mình của anh và vẫn vui vẻ chấp nhận nó, thậm chí, cô còn thú nhận với bạn bè, mình bị ạnh hấp dẫn bởi cách anh chăm sóc cậu con trai 5 tuổi. Ấy vậy mà đến khi anh Hiếu đề nghị chuyện cưới xin, cô vẫn bị chùn bước. Áp lực về phía gia đình khiến cô suy nghĩ nhiều nhất, kế đến, cô không giám chắc mình có thể coi con anh như con đẻ được không. Đất cát ở thành phố thì đắt đỏ, anh chỉ có một căn nhà nhỏ, nếu cô lấy anh, cũng đồng nghĩa với việc sau này hai vợ chồng phải oằn lưng ra làm để lo kiếm thêm một mảnh đất nữa cho con của hai người và con riêng của anh. Mà đồng lương công chức của anh và cô, đến bao giờ mới lo đủ tiền mua nhà?
Không chỉ đơn thuần là vấn đề tiền bạc, những người đàn ông sống trong cảnh “gà trống nuôi con” thường tồn tại ở hai dạng: một là bị vợ bỏ hoặc bỏ vợ; hai là vợ gặp tai nạn, bệnh tật mất sớm, để lại cho họ đứa con thơ dại. Cả hai trường hợp này đều có những vấn đề về tâm lý cần vượt qua. Với những anh chàng “gà trống” bị vợ bỏ, hoặc bỏ vợ, tâm lý chán nản cuộc sống lứa đôi, mất niềm tin ở phụ nữ là tâm lý thường trực. Với những đối tượng thuộc trường hợp thứ hai, người vợ trước vì tai nạn, bệnh tật mà ra đi, thì tình cảm với vợ cũ luôn hiện hữu, thật khó khăn để cùng họ bước vào cuộc sống mới.
Anh Ân và vợ đã li dị được 5 năm, vốn còn trẻ nên anh dễ dàng tìm được nhiều đối tượng khác xinh đẹp, trẻ trung hơn vợ rất nhiều. Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, anh luôn bị ám ảnh bởi quá khứ đã có với người vợ cũ nên thường tự kết thúc các mối quan hệ yêu đương trước khi có điều kiện tiến xa hơn. Vợ anh, chị Hà là một phụ nữ thông minh nhưng tính tình ngang bướng, thích chỉ đạo chồng, hai anh chị chia tay nhau cũng vì anh không chịu được tính độc đoán của chị. Mang tâm lý e ngại hôn nhân, e ngại phụ nữ, đến giờ đã gần 40 tuổi, anh và cậu con trai vẫn chưa tìm được cô gái nào ưng ý.
Người đàn ông khi phải sống đơn độc, một mình nuôi con, một mình lo những công việc gia đình thay vai trò người vợ, người mẹ, dẫu sao, vẫn là đối tượng dễ nhận được sự cảm thông nhất. Trong một chừng mực nhất định, ở vào hoàn cảnh đặc biệt này, họ càng trở nên hấp dẫn phái nữ hơn lúc nào. Tuy nhiên, việc hấp dẫn ai đó với việc khiến ai đó gắn bó, chia sẻ những khó khăn với họ xem ra vẫn là hai câu chuyện tách biệt, không hề đơn giản.