Và giờ đây, chồng chị đã trở thành người đàn ông trụ cột trong gia đình thật sự. Hạnh phúc gia đình giờ đây không còn bị lung lay bởi những lý do “vô thưởng vô phạt” như lúc trước nữa. Các con cũng quý bố hơn bởi anh thường cho con những lời khuyên bổ ích...
Mẹ là quản gia, vợ là thổ địa
Chuyện có vẻ khó tin nhưng lại là có thật trăm phần trăm với anh Hùng – chồng chị Hoa. Ngày còn yêu nhau, mặc dù mẹ anh có ý tứ với chị rằng “Hùng nhà bác chỉ biết học là giỏi thôi” nhưng chị cũng chỉ vâng dạ, và nghĩ đó là bà dặm trước để chị không bắt nạt người yêu thôi. Ai dè, chỉ khi cưới nhau về thì chị Hoa mới ngỡ ngàng trước những gì mà mình chứng kiến.
Quả thật, anh Hùng của chị chỉ biết học là giỏi, ngoài ra, anh không biết một cái gì khác. Anh như người lạ ngay trong chính ngôi nhà của mình. Từ trước cho đến khi lấy vợ, mẹ anh vừa làm mẹ vừa làm người quản gia cho chính con trai mình bởi anh luôn ngơ ngơ ngác ngác khi cần cái gì đó, kể cả vật dụng ngay trong phòng của mình. Nhưng vì là con một nên mẹ anh không lấy đó làm buồn mà trái lại, lại càng chăm sóc anh kỹ hơn như nuôi gà công nghiệp. Vì vậy, anh như cậu bé lớn tuổi trong mắt mẹ mặc dù đã gần 30.
Đến khi lấy vợ, điềm nhiên chị Hoa trở thành người thế chân mẹ trong việc trở thành thổ địa của chồng. Việc ăn uống của gia đình thì vẫn do mẹ chồng chị đảm nhiệm lâu nay bởi theo ý bà thì “người khác nấu sợ thằng Hùng ăn không ngon miệng, lại đâm ra ốm yếu, khổ thân…”. Lúc đầu, chị chỉ nghĩ là anh lỡ đãng hay quên, song dần dần chị mới thấm hiểu… thế nào là lễ độ.
Chị như thổ địa của anh trong nhà. Cái gì anh cũng hỏi chị, dù là vừa tiện tay để đấy. Quay đi quay lại, cần là hỏi luôn, không thèm để ý khiến nhiều lúc chị phát cáu. Nói rồi đâu lại vào đấy vì anh có bao giờ để ý đâu. Vả lại, khi chị hơi to tiếng thì y như rằng mẹ chồng lại xuất hiện để bênh vực con trai, rồi lại nhỏ to với chị rằng thông cảm cho con trai bà bởi từ nhỏ nó đã quen thế, quen được chiều chuộng vì bà chỉ có một cậu ấm duy nhất. Bù lại những “khiếm khuyết nhỏ đó” là việc anh rất thông minh, sống chân thành với mọi người, ai cũng yêu mến… khiến chị không thể nào mở lời được nữa.
“Em tự lo đi, anh không biết!”
Đó là câu chị Hạnh thường được nghe từ miệng chồng đến mức, chỉ cần hỏi là chị đã biết ngay câu trả lời. Vấn đề ở chỗ chồng chị không phải không biết, không hiểu vấn đề hay không thể giải quyết được bởi anh đường đường là một tiến sĩ khoa học, nhưng sự ỷ lại của anh vào người khác là quá lớn nên gần như anh coi mọi việc không phải là công việc chính của anh thì anh sẽ “dửng dưng”.
“Con hư tại mẹ” - câu nói này dù đã nghe quá nhiều nhưng với chị Hạnh thì nó vẫn luôn đúng. Chồng chị trong mắt mẹ anh vẫn là chàng trai mới lớn nên bà bao bọc hết thảy. Bà không cho anh làm bất cứ cái gì, không đụng tay đụng chân vào đâu cả, mọi hỏng hóc trong nhà đều do hoặc bà hay chồng tự mày mò sửa, hoặc gọi thợ chứ thằng con trai lồng ngồng to gần gấp đôi bà không hề phải mó máy.
Ngay đến đồ đạc riêng của anh, chỉ vừa thấy con trai lúi húi là mẹ đã xông vào làm giúp hay đơn giản là “để mẹ gọi thợ về” khiến cho ông con trai không còn buồn bận tâm nữa. Lâu dần thành quen, anh gần như không quan tâm đến mọi việc trong gia đình nữa. Không chỉ việc vặt trong nhà mà đến chuyện lớn chuyện nhỏ cần bàn bạc cả gia đình, bố mẹ anh cũng không cho anh tham gia bởi “để thằng bé còn lo học hành, công tác. Nghe vào chỉ tổ thêm nhức đầu, rối trí, lại sao nhãng việc chính của nó…” nên đâm ra, anh như gà ấp trong lồng trứng. Và cho đến khi trưởng thành, lấy vợ, có con nhưng anh vẫn là “cậu bé to xác” trước mọi việc.
Thời gian đầu, chị Hạnh rất bức xúc khi bàn việc gì với chồng, chị cũng nhận được câu trả lời trên. Và có lúc, chị tự hỏi hay mình lấy lầm người. Mình làm chồng hay làm vợ đây? Mọi việc nhỏ to đều đến tay chị mặc dù chồng mang tiếng là đàn ông to lớn, nặng hơn chị cả yến thịt…
Rồi một lần, không thể chịu đựng nổi, chị đã tìm đến nhà tư vấn tâm lý chỉ với lý do chị có nên li hôn với ông chồng “anh không biết” đó không?
Trước sự tư vấn nhiệt tình và đầy thuyết phục của nhà tư vấn, chị Hạnh phần nào nguôi ngoai. Và “võ” mà chuyên gia “bày” cho chị để về áp dụng với ông chồng “anh không biết” đó là kéo anh tham gia vào tất cả mọi việc trong nhà, dù lớn dù nhỏ. Có thể thời gian đầu sẽ rất khó cho chị song sự kiên nhẫn của chị chắc chắn sẽ kéo ông chồng ra được khỏi cái kén của sự ù lỳ. Và điều quan trọng chị phải là được là đừng nản lòng. Đừng hỏi một vài lần thấy anh không hưởng ứng lại quay ra bất mãn, không thèm hỏi nữa…
Mặc dù cố gắng kiên nhẫn với lời khuyên của các nhà tâm lý, song có lúc, dường như chị Hạnh cảm thấy bất lực và suýt bỏ cuộc, mặc cho sự việc đến đâu thì đến. Nhưng rồi khi nhìn lại các con, chị thấy chúng cần được yêu thương của cả bố lẫn mẹ, thế làm chị lại kiên trì với “chiêu” của mình. Cái gì chị cũng hỏi anh, cũng tâm sự với anh, đòi cho bằng được anh cho ý kiến dù anh có cáu gắt, quát tháo khi bị làm phiền nhiều lần. Không hỏi được lần này, chị lại chờ cơ hội hỏi lần khác, cho đến khi anh chịu đầu hàng mà phải suy nghĩ tìm câu trả lời mới thôi
Và giờ đây, chồng chị đã trở thành người đàn ông trụ cột trong gia đình thật sự. Hạnh phúc gia đình giờ đây không còn bị lung lay bởi những lý do “vô thưởng vô phạt” như lúc trước nữa. Các con cũng quý bố hơn bởi anh thường cho con những lời khuyên bổ ích, dạy chúng học, dạy chúng chơi, làm bạn thực sự với bọn trẻ. Và có được ngày hôm nay, chị Hạnh thầm cảm ơn các nhà chuyên viên tâm lý đã giúp chị tìm lại được hạnh phúc gia đình.
Theo Eva