Đắn đo trước giờ xưng tội
Đối với đa số phụ nữ, ngoại tình không phải là lựa chọn của họ mà đôi khi điều ấy xảy ra khiến họ cũng không ngờ tới. Mối quan hệ lúc đầu chỉ là quý mến, rồi say đắm cuốn họ đi đến mất cả sự tỉnh táo cần thiết để biết đâu là điểm dừng.
Chị đến với anh là mối tình đầu và đã dừng chân bằng một cuộc hôn nhân đầy mãn nguyện. Cưới nhau chưa được bao lâu thì anh phải đi công tác nước ngoài khoảng một năm. Ở nhà một mình với ngôi biệt thự rộng mênh mông, hàng ngày chỉ xem phim, đọc báo nên chị quyết định theo học một lớp khiêu vũ cho đỡ buồn. Ở đây, chị gặp lại người bạn trai cùng lớp ngày xưa đã từng theo đuổi chị không thành. Giữa những người xa lạ, họ cảm thấy như gần nhau hơn. Anh bạn cùng lớp nghịch ngợm năm xưa giờ trong mắt chị là một người trưởng thành và ăn nói rất có duyên.
Một tuần ba buổi họ gặp nhau tại lớp khiêu vũ, học nhảy cùng nhau, café cùng nhau, và trò chuyện cùng nhau. Tuy không ai nói ra, nhưng dường như cả hai đều nhận thấy những câu chuyện giữa họ ngày càng trở nên đậm đà, cuốn hút. Một ngày đẹp trời, chị mời anh – bạn học cũ đến thăm nhà. Rồi chuyện gì phải đến cũng đã đến. Sự khao khát của người phụ nữ đang độ sung sức phải xa chồng với người đàn ông đã từng theo đuổi mình năm xưa cứ cuốn vào nhau mãnh liệt, đam mê.
Sau lần ấy, chị vẫn thường dằn vặt mình chỉ vì một phút yếu lòng mà sa ngã. Giờ đây, chồng chị sắp về. Từ sâu thẳm trong lòng, chị biết, mình vẫn yêu chồng nhiều lắm. Chị vẫn tự hỏi không biết có nên thú nhận hay giữ chuyện này làm bí mật cho riêng mình vì chồng chị có thể sẽ không bao giờ biết. Nếu không nói ra thì chính bản thân chị cảm thấy khó chịu vì đang mang trong lòng một bí mật mang tên tội lỗi, ăn năn.
Sự vô lý mang tên đàn ông
Vấn đề trung thực trong hôn nhân đã và đang được tranh luận rất nhiều nhưng chưa đến hồi ngã ngũ. Các nhà tâm lý phương Tây cho rằng sự trung thực là một nguyên tắc quan trọng của hôn nhân. Không thể có một mối quan hệ thoải mái, cởi mở, và tin cậy lẫn nhau khi một trong hai người không biết rõ về nhau. Trong khi đó, các nhà tâm lý học ở nước ta và ở phương Đông nói chung lại chủ trương không nên khơi dậy quá khứ. Vợ chồng vẫn có những “mảng tối” không thể để người kia biết, vì kinh nghiệm cho biết cái gì không thấy thì không đau. Nhưng không nói ra, người phạm lỗi lại có cảm giác không thanh thản và lúc nào cũng nơm nớp lo lắng chuyện bại lộ.
Thực tế cho thấy, vấn đề này quả không đơn giản. Không ít đàn ông rất ích kỷ, họ có thể rộng lượng tha thứ cho mình, nhưng khi vợ mắc phải sai lầm tương tự thì lại rất khó bỏ qua, thậm chí có người còn đối xử tệ với vợ sau khi đã biết sự thật. Đàn ông cũng có nhiều loại người, và mỗi người lại có cách ứng xử khác nhau đối với người phụ nữ của họ về những chuyện trong quá khứ. Vì vậy trước khi quyết định nói ra sự thật trong tình huống không thể không nói thì cũng nên chuẩn bị tâm lý cho người nghe bằng cách nói những chuyện xa xôi nhưng tương tự để thăm dò phản ứng.
Mặt khác, cũng nên chuẩn bị tinh thần cho chính bản thân mình. Hoặc là được chồng thông cảm và tha thứ, hai là chồng không tha thứ cho tội ngoại tình. Trong trường hợp xấu nhất, bạn phải chấp nhận chia tay nếu chồng muốn điều đó. Nhà tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa lưu ý bạn khi thú nhận “không nên nói chi tiết để tránh gây đau đớn cho người nghe, càng nói ngắn gọn càng tốt. Thậm chí bạn còn phải can đảm đưa ra quyết định cuối cùng trong những trường hợp cần thiết”.
Theo Afamily