Cuộc sống không dễ với người lùn
Đến khu vực chợ Bà Rén, nằm ngay bên QL 1A ( thuộc xã Quế Xuân I) hỏi gia đình ông Lưu Qươn "lùn", từ đứa trẻ tóc măng tơ đến ông già răng long đầu bạc, ai cũng vui vẻ dẫn đường. Trong con ngõ nhỏ đối diện chợ Bà Rén, căn nhà "mấy đời lùn" của ông Lưu Qươn phủ màu mưa nắng, rêu mốc bám khắp tường đang rệu rã theo tháng năm.
Ông Lưu Qươn năm nay đã 78 tuổi, có 5 người con. Ông cho biết: "Gia đình tôi tổng cộng có 7 người nhưng đều... lùn. Tôi cao 1, 2 mét, vợ tôi, bà Phạm Thị Điển (79 tuổi), cao 1,45 mét. Đứa con đầu là Lưu Ngoạn (52 tuổi) cao 1, 35 mét, đã có gia đình ở riêng với 3 đứa con.
Đứa thứ hai là Lưu Trịn (43 tuổi), cao 1,37 mét cũng đã có gia đình riêng và 2 con. Đứa thứ ba là Lưu Tám (35 tuổi), cao 1,35 mét đã lập gia đình và có 2 con. Đứa thứ tư là Lưu Hai (33 tuổi), cao 1,1 mét (chưa vợ) và gái út là Lưu Thị Hoa (32 tuổi), cao 1,2 mét (chưa chồng), đang phụ việc bán hàng cho người ta trên chợ Bà Rén".
Mấy anh em các "chú lùn" sinh sống bằng nghề khuân vác, vận chuyển các loại hàng hoá, vật liệu xây dựng, phân bón cho người dân trong vùng, với thu nhập khoảng 20.000 đồng / người/ ngày. Ngoài ra, ba cha con ông Qươn phụ trách dọn rác chợ, mỗi ngày ba cha con ông dọn trong 3 tiếng đồng hồ, được trả mỗi tháng 200.000 đồng cho mỗi người.
Anh Ngoạn tâm sự: "Mấy năm trước, khi chưa có dịch heo tai xanh, chợ heo Bà Rén sầm uất, heo đầy trên bến dưới thuyền, chúng tôi tha hồ vận chuyển, khuân vác, làm không hết việc. Nhưng thời "vàng son" đó đã đi qua do dịch heo tai xanh ập về, thu nhập ít do việc làm bấp bênh, chúng tôi lâm vào cảnh nghèo khó.
Ngoài ra, gia đình tôi cũng được sự quan tâm của địa phương, cha tôi mỗi tháng cũng được trợ cấp 120.000 đồng do cao tuổi. Tuy vậy, trong thời "bão giá" này đời sống đại gia đình chúng tôi gặp không ít khó khăn...".
Chúng tôi tò mò quan sát căn nhà, trên mái nhà tôn, xuất hiện hàng trăm chỗ dột khiến cho mái nhà "lung linh" như bầu trời đêm nhiều sao. Trong nhà, từ cái bàn cho đến mấy cái ghế đều thấp cả. Xuống nhà dưới, trên nền nhà bằng đất ẩm thấp, tối om là lỉnh kỉnh những đồ đạc.
Từ đống áo quần cũ rách cho đến những chiếc chiếu manh rách nát đều hiện diện cái nghèo của chủ nhân. Trên cái phản thấp lè tè, gia đình ông Qươn đang ngồi ăn cơm toàn là rau với mắm. Một số người hàng xóm cho biết, họ sinh ra với những thiệt thòi về thể chất.
Tuy vậy, họ cố vượt khó vươn lên trong lao động và trong tình người. Tuy nghèo vậy, nhưng gia đình ông Qươn ăn ở rất tốt, không bao giờ làm mất lòng một ai, lại hay sốt sắng giúp đỡ mọi người.
Ông Nguyễn Khẳng, Trưởng thôn Bà Rén cho biết: "Hộ ông Qươn và hộ ông Ngoạn là hai hộ nghèo trong tiêu chí của thôn, do có hạn chế về vóc dáng, ảnh hưởng đến công ăn việc làm nên còn nghèo khó". Anh Ngoạn dẫn chúng tôi đến thăm căn nhà của anh ở xóm trên đường cái. Chúng tôi thấy căn nhà tuềnh toàng còn hơn nhà của người cha với nền đất ẩm thấp, phên tre...
Trong căn nhà nhỏ của gia đình ông Qươn, cái gì cũng thấp, nhỏ. Từ bàn ghế, giường, tủ, bàn thờ, tủ thờ, tủ đựng ti vi... đều chỉ cao vài chục phân. Nhìn qua, chẳng khác gì bộ đồ chơi của trẻ con trong công viên. Ông Qươn cho biết, những vật dụng này phần lớn đều do ông tự tay làm.
|
Gia đình ông Ngoan, con cả ông Qươn |
Một số vật dụng không thể làm được thì ông phải đặt "hàng thửa". Thấy chúng tôi cứ đứng tẩn mẩn mãi bên cái giếng sau hè, mà mỗi lần kéo nước lại phải cúi gập lưng xuống, bà Điểm-vợ ông Qươn thật thà: "Nhà tui chừ có thứ chi cao là xài không được".
Và khát vọng cải tạo nòi giống
Theo quan sát của chúng tôi, những người ở gia đình ông Qươn lùn là do những dị tật ở chân. Những đôi chân bị cong vẹo, teo tóp như vỏ đỗ. Ông Qươn cho biết từ khi sinh ra, ông và những người con của ông đều đã có những cái chân như vậy.
Ông Qươn kể rằng: "Bố tôi - cụ Lưu Chấn cũng bị lùn và chân bị "cà kheo". Ngày xưa, bố tôi cũng đã có ý thức về chuyện này nên đã lấy một người cao. Mẹ tôi là Lê Thị Dần, cao trên 1,6 m. Bố mẹ tôi sinh được hai người con, chị gái tôi có chiều cao bình thường giống mẹ nhưng tôi thì mang hình hài như bố". Rồi ông Qươn chặc lưỡi: "Ông nội tui cũng lùn và ông cố tôi cũng thế thì phải, do bố tôi mất sớm nên tôi cũng không hỏi được rõ".
Tuy ông Qươn không biết rõ về gốc gác cái sự lùn trong dòng máu của mình nhưng ông vẫn không quên khát vọng của dòng họ: đời sau phải cao hơn. Vì vậy, mục tiêu hàng đầu của ông cũng như các con trai ông khi chọn vợ là phải... cao. Bà Phạm Thị Điểm (1928) vợ ông, cao hơn ông 25cm (1,45m).
Thực tế thì hai ông bà sinh tất thảy đến 12 người con. "Buồn là hầu hết những đứa "dài đòn" thì chết hết, còn lại 5 đứa thì đứa nào cũng lùn" - ông Qươn thở dài. Chính vì thế cả ba anh con trai của ông Qươn đều cố gắng lấy vợ cao. Tuy nhiên, để thực hiện được khát vọng này không phải dễ dàng.
Mục tiêu mà ông Qươn giao phó cho các con, là bằng mọi cách phải "chinh phục" những người cao hơn mình ít nhất là cái... đầu, để "cải thiện" giống nòi. Nghe lời bố, lần đầu tiên các con trai ông Qươn đến nhà bạn gái chơi thì không ai chịu tiếp, thậm chí nhiều hôm đối tượng còn xách dép bỏ chạy.
Được cái, các con ông Qươn tuy trời "trói" đôi chân nhưng lại cho thứ khác. Tuy lùn nhưng các anh đều có khuôn mặt sáng sủa, tính tình thật thà, trung thực, nên nhờ kiên trì lâu dần, các anh đều tìm được người như ý.
Anh Ngoạn kể, mỗi lần dẫn bạn gái đi chơi là... sợ. Nhất là ngày cưới, cô dâu chú rể đứng quá chênh lệch nên không ít lời đùa tếu. Đôi lúc có những sự nhầm lẫn... "chết người". Có lần khi vợ chở đi bằng xe đạp, có người nhầm hỏi: "Chị chở cháu đi đâu vậy?".
Nhưng những câu đại loại như vậy cũng không làm những gia đình trong nhà ông Qươn để ý, bởi cũng đã thành quen. Hơn nữa, những người dân trong làng đều rất thông cảm với hoàn cảnh của họ. Những câu hỏi như vậy, có chăng chỉ là sự nhầm lẫn vô ý.
Theo Giadinh